Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 01/12/2023 - 21:40
(Thanh tra) - Theo Phó Thủ tướng, cần phân tích, đánh giá kỹ tác động, hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao với nền kinh tế trong từng phương án về tốc độ, kết hợp vận tải hành khách và hàng hoá.
Phó Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao với nền kinh tế. Ảnh: Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu như vậy trong buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và một số bộ, ngành liên quan về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày 1/12.
Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 kịch bản.
Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 là xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm áp lực đô thị hoá với việc phát triển đô thị vệ tinh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công nghiệp, phát triển du lịch, giảm chi phí logistics…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ tác động, hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao với nền kinh tế trong từng phương án về tốc độ, kết hợp vận tải hành khách và hàng hoá, nâng cấp, tận dụng tuyến đường sắt hiện hữu; tối ưu hoá năng lực khai thác, vận hành của các phương thức, hệ sinh thái vận tải khác nhau (đường bộ, đường hàng không, đường thuỷ, đường biển)…
“Cần học hỏi kinh nghiệm của thế giới để phân tích ưu điểm, nhược điểm khi kết hợp giữa vận tải hành khách và hàng hoá, giữa tuyến đường sắt tốc độ cao mới và tuyến đường sắt hiện hữu, phương án phát triển khu đô thị vệ tinh, hệ thống logistics, du lịch, khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ…”, lãnh đạo Chính phủ quán triệt.
Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn huy động được giao hợp tác với các viện nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu thế giới để đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao đối với ổn định vĩ mô, hiệu quả kinh tế-xã hội tổng thể, hiệu quả sử dụng đất, phương án tài chính, sử dụng nguồn lực do dự án mang lại.
Liên quan đến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tại kỳ họp 6 mới đây, Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện đề án, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Trước đó, góp ý các phương án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kịch bản 1 và 3 “không đáp ứng được yêu cầu” theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ tại cuộc họp tháng 10/2022. Cuộc họp này kết luận trình Bộ Chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại, với kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ 1.435 để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, tốc độ khai thác 200 km/h.
Còn kịch bản 3, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có bất hợp lý là phương án đầu tư có tốc độ thiết kế 350 km/h, nhưng tổng mức đầu tư dự án lại thấp hơn kịch bản 2 có tốc độ thiết kế 250 km/h; chưa có nội dung liên quan phương án vận tải hàng hóa, cơ sở tính toán chỉ số hoàn vốn nội bộ, chỉ số lợi ích - chi phí...
“Hiện nay thế giới chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có cấp tốc độ thiết kế 350 km/h có thể vận tải hỗn hợp hành khách và hàng hóa”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu góp ý.
Theo bộ này, qua đợt công tác học tập kinh nghiệm của Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc cho thấy các nước phát triển đường sắt vận tốc trên 300 km/h đều là nước làm chủ về công nghệ đường sắt cao tốc. Khi đầu tư phát triển loại hình này, các quốc gia này đã có mạng lưới đường sắt vận tải hàng hóa hoàn chỉnh và có GDP cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.
Đề án của Bộ Giao thông Vận tải chưa đề cập đến xây dựng ngành công nghiệp đường sắt tiến tới làm chủ công nghệ. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ đề xuất phát triển công nghiệp đường sắt và tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa nguồn vốn vay cho dự án để không lệ thuộc công nghệ bởi bên cho vay.
Bộ Xây dựng thì đồng thuận với kịch bản 3. Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, đề án chưa thể hiện rõ việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam bằng khổ đường cụ thể nào.
“Với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành sau này, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu, theo hướng nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam bằng hình thức thay thế toàn bộ khổ đường hiện hữu 1.000mm bằng khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm trong quá trình triển khai thực hiện”, Bộ Xây dựng nêu.
Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua để đảm bảo giữ nguyên được kết quả thỏa thuận hướng tuyển như đã được thể hiện tại đề án.
Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, để bảo đảm tính khả thi, Bộ Giao thông Vận tải cần bổ sung căn cứ pháp lý được áp dụng để đề xuất sơ bộ tổng mức đầu tư như đã được xác định của dự án.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 3/12, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp xúc cử tri huyện Tiên Lãng báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Kim Thành
09:05 04/12/2024(Thanh tra) - Trong năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cà Mau đã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác cải cách hành chính (CCHC); công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được tăng cường; ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC từng bước được nâng lên. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc…
Thùy Dương
09:04 04/12/2024Hương Giang
08:57 04/12/2024Thùy Dương
08:55 04/12/2024Trung Hà
20:40 03/12/2024Chính Bình
20:26 03/12/2024Trọng Tài
N. Phó
Uyên Uyên
Uyên Uyên
Uyên Uyên
PV
Kim Thành
Thùy Dương
Thùy Dương
Hương Giang
Thùy Dương