00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Hành động ngay để giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Hương Giang

Thứ năm, 27/03/2025 - 16:34

(Thanh tra) - Nêu rõ ô nhiễm không khí ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải hành động ngay để bảo vệ sức khỏe người dân.

Ngày 27/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc bàn về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai đô thị lớn và đang bị ô nhiễm không khí nặng nhất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ảnh: M.Khôi

Nhấn mạnh tính cấp thiết và nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm không khí tại các TP lớn, Phó Thủ tướng nói, “chúng ta đã có luật, nhưng nếu không có hành động cụ thể và quyết liệt thì tình hình sẽ không thể thay đổi”.

Theo lãnh đạo Chính phủ, các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các lãnh đạo địa phương phải được xác định rõ ràng và hành động kịp thời.

“Phải hành động ngay từ bây giờ, nhằm cải thiện các chỉ tiêu chất lượng không khí ngay trong tháng tới, quý tới, cuối năm để bảo vệ sức khỏe người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cho hay, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong việc triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các giải pháp.

Ô nhiễm không khí ở các TP lớn ở mức báo động

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn là vấn đề đã hình thành trong nhiều năm gần đây, tập trung 2 khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc (xung quanh "vùng Thủ đô" Hà Nội) và phía nam (xung quanh khu vực TP Hồ Chí Minh).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành. Ảnh: M.Khôi

Thành phần ô nhiễm chủ yếu đã được xác định là bụi đường, bụi PM10 và bụi mịn PM2.5, và xảy ra vào các tháng mùa Đông-Xuân (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau)

Nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại các đô thị là từ hoạt động giao thông, bao gồm bụi đường, khí thải từ phương tiện giao thông cũ, nát, xe tải chạy dầu DO cũ, xe chở vật liệu xây dựng (đặc biệt là tại Hà Nội).

Bên cạnh đó là hoạt động sản xuất công nghiệp (chủ yếu là vật liệu xây dựng, xi măng, nhà máy nhiệt điện, sản xuất sắt thép); công trình xây dựng không che chắn, không có biện pháp ngăn bụi phát tán; hoạt động đốt rác, rơm rạ ngoài trời.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất một số giải pháp cấp bách cần triển khai ngay để cải thiện chất lượng không khí.

Bên cạnh bắt buộc che bụi, phun nước giảm bụi với các công trình xây dựng, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần quy hoạch tuyến đường cho xe tải, kiểm soát xe cũ, tăng cường giao thông công cộng; giám sát tự động khí thải từ các nhà máy, xử lý nghiêm vi phạm.

Về lâu dài, bộ này kiến nghị tập trung hoàn thiện các chính sách về kiểm soát khí thải, chuyển đổi xanh; hoàn thành kiểm kê nguồn thải, tổ chức giám sát chặt chẽ; phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, thân thiện môi trường, giao thông xanh.

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (Bộ Công an) đề nghị khẩn trương đưa vào vận hành, kết nối trực tuyến toàn bộ các trạm quan trắc không khí, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, để giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời.

Các TP lớn cần tập trung xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông, xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh góp ý. Ông Sinh đề cập đến nhiều giải pháp như như: Thực hiện kiểm định khí thải xe máy, phun rửa xe chở vật liệu, xe ra vào công trình xây dựng, che chắn công trình xây dựng, thiết lập các khu xử lý phế thải xây dựng tập trung…

Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung đề nghị xây dựng, ban hành các công cụ kinh tế (thuế, phí), chế tài xử phạt nghiêm ngặt để kiểm soát, giảm nguồn gây ô nhiễm không khí.

Nâng chế tài xử phạt gây ô nhiễm không khí

“Chúng ta cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết tình hình ô nhiễm không khí, xác định mục tiêu từng năm và cả giai đoạn 5 năm”, Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc bàn về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Khôi

Ông giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá toàn diện bức tranh về ô nhiễm không khí theo tiêu chuẩn quốc tế trên phạm vi cả nước cũng như ở từng đô thị, từng TP, nhất là Hà Nội và TP hồ Chí Minh, chỉ ra những nguồn gây ô nhiễm không khí.

Từ đó, đưa ra giải pháp, xác lập lộ trình từng năm, và cả giai đoạn 5 năm, nhằm mục tiêu sớm đưa chất lượng không khí về mức độ an toàn, không ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng phải hoàn thiện chế tài xử phạt hành chính với các hành vi gây ô nhiễm không khí đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; nâng cao chế tài xử phạt với các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định, phát tán ô nhiễm ra không khí, trường hợp cần thiết phải xử lý hình sự, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng.

Ông giao Bộ Xây dựng rà soát điều kiện, cơ sở pháp lý triển khai kiểm định khí thải xe máy, chế tài xử lý phương tiện không đạt chuẩn, hỗ trợ chủ xe lắp đặt thiết bị giảm khí thải. Cạnh đó, siết chặt hoạt động giám sát hoạt động của các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, nhất là ở đô thị… ; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

Với Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng về xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại gây ô nhiễm không khí; chỉ đạo công an địa phương phối hợp quản lý trật tự an toàn giao thông hợp ký, bổ sung thẩm quyền cho lực lượng cảnh sát giao thông, công an cơ sở giám sát, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông, xây dựng gây ô nhiễm không khí.

Các địa phương ban hành theo thẩm quyền về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm các chỉ số ô nhiễm không khí trên địa bàn; có kế hoạch chi tiết chuyển đổi xanh đối với phương tiện cá nhân, khuyến khích giao thông công cộng, bằng các công cụ kinh tế (thuế, phí), quy hoạch tuyến giao thông, điều tiết hoạt động giao thông…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm