Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phân cấp điều chỉnh quy hoạch phải giám sát, không phải tỉnh muốn làm gì thì làm

Hương Giang

Thứ ba, 10/06/2025 - 11:00

(Thanh tra) - Thống nhất phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong điều chỉnh quy hoạch, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải giám sát, kiểm tra, không phải tỉnh muốn làm gì thì làm.

Sáng 10/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Nêu vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, Luật Quy hoạch đã trải qua nhiều lần sửa đổi, nhưng các địa phương vẫn “kêu vướng nhiều thứ”.

Sửa Luật Quy hoạch phải triển khai được ngay để phục vụ sáp nhập tỉnh

“Vướng chỗ nào, vướng ở đâu? Vướng do luật quy định không rõ hay do nghị định ban hành, địa phương chưa triển khai được, hay vướng do thông tư của bộ?”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, người dân đang rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này, nhất là khi thực hiện sáp nhập tỉnh, thành phố.

Thống nhất phân cấp cho cấp tỉnh trong điều chỉnh quy hoạch, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải giám sát, kiểm tra, không phải để cấp tỉnh muốn làm gì thì làm. Ảnh: P.Thắng

Cho rằng cần sửa căn cơ, bài bản, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần “khó đâu tháo đó, tắc đâu thông đó”. Theo ông, sửa đổi Luật Quy hoạch lần này phải làm sao triển khai được ngay để phục vụ cho việc sáp nhập.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, ngày 12/6, dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo phương án, sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 6 TP trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh) và 28 tỉnh.

“Địa phương thấy khó gì, chúng ta tháo gỡ, tránh Quốc hội nhấn nút thông qua, cuối cùng báo cáo vẫn vướng không thực hiện được chỗ này, chỗ kia”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Dự thảo luật quy định theo hướng, để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thì không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch khi điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Dự kiến, UBND các tỉnh được phân cấp tổ chức thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Phân cấp cho tỉnh điều chỉnh quy hoạch để tránh “dồn” lên Trung ương

Thừa nhận thực hiện Luật Quy hoạch hiện đang có nhiều vướng mắc, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói, lần này chưa sửa đổi toàn diện mà chỉ sửa đổi một số điều để đáp ứng yêu cầu sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Dự thảo luật đề xuất phân cấp cho cấp tỉnh thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để tránh “dồn” lên Trung ương. “Rõ ràng chúng ta đang xử lý tình thế. Chính phủ đang trình Quốc hội để xử lý câu chuyện cấp bách trước mắt”, ông Thắng nói, nếu thực hiện như quy trình Luật Quy hoạch hiện nay sẽ rất khó.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: P.Thắng

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Thắng khẳng định, Chính phủ sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi căn cơ, tổng thể Luật Quy hoạch, để xử lý sớm các vướng mắc, chồng chéo.

Góp ý thêm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, từ nay đến khi thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, cơ quan chủ trì soạn thảo nên lấy ý kiến trực tiếp hoặc mời chủ tịch UBND các tỉnh, TP sắp sáp nhập cho ý kiến.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sửa luật cần đánh giá sự phù hợp giữa các loại quy hoạch với nhau và làm rõ tích hợp quy hoạch để không xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo.

“Ví dụ Đà Nẵng nhập với Quảng Nam thì tích hợp quy hoạch giữa Đà Nẵng với Quảng Nam thế nào để triển khai các dự án”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Sau sáp nhập tỉnh, sẽ sửa căn cơ Luật Quy hoạch

Thống nhất phân cấp cho cấp tỉnh trong điều chỉnh quy hoạch, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải giám sát, kiểm tra, không phải để cấp tỉnh muốn làm gì thì làm mà Trung ương không biết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Ảnh: P.Thắng

Ông nhấn mạnh thêm, phải quan tâm sửa các điều cho “trúng, đúng”, tránh tình trạng, sửa luật công phu nhưng khi triển khai lại “ách tắc”, lại đổ thừa cho luật và thể chế.

“Sửa Luật Quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và cho biết dự kiến luật sửa đổi sẽ có hiệu lực ngay từ 1/7.

Báo cáo tiếp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo luật được các địa phương đồng thuận rất cao, nhất là phân cấp, phân quyền điều chỉnh quy hoạch vì địa phương thấy phân cấp xuống chủ tịch UBND tỉnh là phù hợp.

Theo ông Thắng, Bộ Tài chính đã xây dựng xong dự thảo nghị định, đang lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương để khi Quốc hội thông qua luật, sẽ ban hành nghị định ngay.

Ông khẳng định bộ sẽ sát sao với địa phương để trao đổi xem còn gì vướng mắc để khi ban hành, địa phương thực hiện thuận lợi.

“Sáp nhập rồi thì chiến lược của các địa phương có thay đổi. Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội sửa căn cơ Luật Quy hoạch”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định lại một lần nữa.

Chính phủ đề xuất chưa thực hiện việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tỉnh cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh với việc lập mới quy hoạch với 2 lý do.

Đầu tiên là do nội dung quy hoạch tỉnh bao trùm nhiều ngành, lĩnh vực; mỗi ngành, lĩnh vực lại được quy định tại nhiều pháp luật khác nhau với mức độ phân cấp rất khác nhau.

“Nếu phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tỉnh thì phải rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật và sửa đổi, bổ sung toàn diện để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, dẫn tới không đáp ứng được yêu cầu và tiến độ sửa luật để làm cơ sở cho các tỉnh điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính”, theo Chính phủ.

Lý do thứ hai, việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tỉnh cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa được triển khai trên thực tế nên chưa có tổng kết, đánh giá thực tiễn đầy đủ.

Từ nay đến năm 2030, theo Chính phủ, chỉ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Dự thảo luật đã bảo đảm phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh.

Việc lập mới quy hoạch tỉnh sẽ được thực hiện ở thời kỳ 2031-2040. Do vậy, Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho hợp nhất 2 tỉnh theo quy định

Hà Giang: Hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho hợp nhất 2 tỉnh theo quy định

(Thanh tra) - Chiều 23/6, Tỉnh ủy Hà Giang và Tỉnh ủy Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang và BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, nhằm thảo luận, cho ý kiến vào các dự thảo báo cáo chính trị và các đề án liên quan đến việc hợp nhất hai tỉnh. Đây là bước chuẩn bị then chốt trước thời điểm công bố chính thức và đưa vào vận hành bộ máy sau hợp nhất.

Bùi Bình

21:28 23/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm