Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải ngăn chặn được các hành vi gây tổn hại đến nguồn lực Nhà nước

Thứ năm, 28/11/2013 - 10:39

(Thanh tra) - Chiều 27/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công. Đa số ý kiến tán thành nhiều nội dung cơ bản của Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Dự thảo cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu; trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể liên quan đến đầu tư công...

Đặt vấn đề "người quyết định đầu tư đã có trách nhiệm gì", đại biểu Huỳnh Văn Tiếp ( TP Cần Thơ) nhận định: Thời gian qua quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án được sử dụng vốn đầu tư công, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, việc triển khai thực hiện kế hoạch, việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công cho thấy còn nhiều kẽ hở của pháp luật, một số bộ, ngành, địa phương quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp 3 yêu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. Từ thực tế trên cho thấy việc ban hành Luật Đầu tư công rất cần thiết, nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ việc đầu tư công của cả nước. Do đó, đề nghị cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Để tránh việc đầu tư dàn trải không có trọng điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) khẳng định, Dự thảo cần có quy định cụ thể về những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư so với những lĩnh vực khác, điều này là cần thiết. Nếu như quy định về nguyên tắc quản lý đầu tư công chỉ là một điều trong Dự thảo (Điều 6) thì e rằng thực tế triển khai thực thi luật cũng vẫn chưa đảm bảo triệt để tính hiệu quả, tiết kiệm và tập trung. Do đó cần có quy định tại văn bản luật nguyên tắc xem xét phê duyệt theo hướng xác định rõ những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, những lĩnh vực nào không ưu tiên tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của nước ta để đảm bảo tinh thần của luật được áp dụng trên thực tế.

Nhiều đại biểu cho rằng nếu thực hiện nghiêm theo quy định này sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí hiện nay.

Liên quan đến kế hoạch đầu tư trung hạn (Chương III), đây là một trong những điểm mới của Dự án Luật, nhiều đại biểu nhất trí với quy định này vừa nâng cao tính pháp lý của kế hoạch đầu tư, vừa minh bạch hoạt động đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đánh giá cao các quy định về lập kế hoạch đầu tư trung hạn, vì với kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương cân đối được nguồn vốn trong từng giai đoạn để chủ động lựa chọn các danh mục dự án đầu tư cần thiết và việc bố trí vốn cho từng chương trình, dự án đảm bảo hoàn thành chương trình dự án, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, cắt khúc như hiện nay.

Một số ý kiến cho rằng về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch trung hạn và hàng năm cần căn cứ vào khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội.

Các đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể hơn nội dung này để tăng tính ràng buộc chặt chẽ, bảo đảm kế hoạch đầu tư trung hạn phải là điều kiện pháp lý quan trọng trong việc lập kế hoạch đầu tư hàng năm cũng như phê duyệt chương trình, dự án đầu tư cụ thể.

Luật Đầu tư công phải gắn kết với hệ thống pháp luật

Nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại Chương V về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước các cấp và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý sử dụng vốn đầu tư công của Dự án Luật. Tuy nhiên cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.

Điều 10 quy định 14 hành vi bị cấm từ khâu phê duyệt chủ trương đến khâu theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư đối với từng chương trình, dự án. Cơ bản các ý kiến nhất trí việc quy định cụ thể như Dự thảo Luật sẽ góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn các hành vi gây tổn hại đến nguồn lực Nhà nước trong quá trình triển khai các chương trình, các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công ở dự thảo còn chung chung, mờ nhạt và không rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng phân cấp thẩm quyền và tính chịu trách nhiệm đến cùng, nội dung này cần làm rõ bảo đảm tính hiệu quả dài hạn của quá trình đầu tư công chống quan điểm lợi ích cục bộ ngắn hạn có tính nhiệm kỳ, có cơ chế để truy cứu trách nhiệm người đứng đầu, người tham gia đầu tư công thực hiện công việc không hiệu quả trước mắt và sau này đối với các chủ trương, mục tiêu, lợi ích xã hội của đầu tư công.

Để đảm bảo luật có tính khả thi cao, nhiều đại biểu đề nghị Dự án Luật phải đáp ứng được các yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về quản lý sử dụng vốn Nhà nước cho đầu tư công. Quan trọng là thể chế hóa trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư công. Phải tạo bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ đến quá trình tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, phải gắn kết với hệ thống pháp luật có liên quan, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nhằm khắc phục có hiệu quả những yếu kém, hạn chế trong quản lý Nhà nước về đầu tư công hiện nay từ chủ trương, chuẩn bị đầu tư đến phân bổ nguồn lực vốn đầu tư không để xảy ra tiêu cực tham nhũng lãng phí nguồn vốn đầu tư công.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm