Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 03/05/2024 - 15:42
(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu làm rõ mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời gian, cơ chế... để thực hiện hiệu quả chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa. Ảnh: P.Thắng
Ngày 3/5, Ủy ban Văn hóa Giáo dục họp phiên toàn thể thẩm tra về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Xác định đúng và trúng đối tượng cần đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí
Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Theo ông Mẫn, từ năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành kết luận yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, đây là chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri, Nhân dân cả nước.
Để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nhất, ông Mẫn cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại hai kỳ họp Quốc hội.
Từ đó, ông đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành hữu quan thực hiện nhiệm vụ thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ.
Việc này thực hiện theo nguyên tắc chương trình khi được thông qua phải bảo đảm dễ thực hiện, dễ quản lý, đạt hiệu quả cao.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị tập trung làm rõ mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.
Việc huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phải có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp.
Ủy ban Văn hóa Giáo dục được đề nghị tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến phát biểu của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33 vào tháng 5 này.
Đề xuất huy động 122.250 tỷ thực hiện chương trình phát triển văn hóa
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết chương trình được thiết kế với 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết. Tổng các nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030, theo bà Thủy là 122.250 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Chính phủ đề nghị năm 2025 chỉ tập trung xây dựng khung chính sách, chuẩn bị đầu tư.
Giai đoạn 1, từ 2026-2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua.
Giai đoạn 2 từ 2031-2035 sẽ tiếp tục phát triển văn hóa trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Dự thảo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng nhiều nội dung thành phần chưa xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư. Do vậy, chưa rõ căn cứ xác định nguồn lực thực hiện chương trình, nhất là đối với vốn ngân sách địa phương.
Theo một số ý kiến tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có khả năng tự cân đối được ngân sách.
Việc ghi cụ thể nguồn vốn huy động hợp pháp (vốn xã hội hóa) thực hiện chương trình là khoảng 15.000 tỷ đồng, theo cơ quan thẩm tra là chưa đủ căn cứ.
Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện thông qua rà soát, điều chỉnh lại các nội dung hoạt động của chương trình để bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Ủy ban Văn hóa Giáo dục cũng bổ sung đánh giá về cơ sở xây dựng dự toán; tiêu chí phân bổ cho từng nhóm nội dung, chú trọng các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung.
“Đặc biệt phải rà soát các nội dung trùng lặp với hoạt động chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước để đưa ra khỏi chương trình, đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương”, dự thảo báo cáo nêu.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Góp ý tại tổ về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sáng 22/11, đại biểu Quốc hội đề nghị áp dụng một mức thuế ưu đãi chung với báo chí là 10%, và có thể giảm sâu hơn nữa.
Hương Giang
11:45 22/11/2024(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.
Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu
Hương Giang
Trần Trung
Thái Hải
Hương Giang
Ngọc Phó