Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những “hạt giống đỏ” bên ven trời Tổ quốc

Bài và ảnh: Ngọc Diệp

Thứ hai, 18/10/2021 - 23:11

(Thanh tra) - Nằm phía Tây Bắc của đất nước, lâu nay mảnh đất Điện Biên được coi là vùng đất đa sắc tộc, khi nơi này có tới 19 dân tộc anh em cùng sinh sống như Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Lào…

Ông Giàng A Di (người đứng) trong một buổi sinh hoạt chi bộ. Ảnh: PV

Cùng với việc đa sắc tộc này đó là sự ra đời của các tổ chức ín ngưỡng, tôn giáo. Với chủ trương phát triển Đảng trong các vùng dân tộc và các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng nên trong thời gian gần đây số lượng đảng viên thuộc lĩnh vực này ở Điện Biên đã tăng lên đáng kể. Đảng viên trong vùng dân tộc, các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng đang được Điện Biên coi là “hạt giống đỏ” để phát huy, phát động các phong trào cùng với đó là sự bền vững thêm cho vùng phên dậu nơi biên viễn này.

Người đảng viên theo đạo đầu tiên

Ngày 28/9/2004, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 123-QĐ/TW, ngày 28/9/2004 về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo.

Tiếp đó, ngày 28/8/2018,  Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 06-QĐi/TW về một số điểm kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo được Bộ Chính trị ban hành thay thế với nhiều điểm mới, cụ thể hơn.

Từ đây, Điện Biên cũng như nhiều vùng miền nước ta đã có thêm “cây gậy chống” để tăng cường, phát hiện, bồi dưỡng đảng viên theo tôn giáo để phát huy sức mạnh hạt nhân chính trị tại cơ sở.

Hiện nay, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 71.000 người theo các tôn giáo như Tin lành, Công giáo, Phật giáo. Cùng với lượng người dân theo tôn giáo này cũng là việc tăng lên của các số lượng đảng viên theo tôn giáo, và những “hạt giống đỏ” này chủ yếu tập trung tại 4 huyện của tỉnh như: Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Ảng và Tủa Chùa.

Phát triển đảng viên vùng đồng bào theo đạo tạo thêm sự vững chắc về an ninh, quốc phòng đối với những vùng đất biên giới như Điện Biên. Ảnh: PV

Nói về đảng viên thuộc diện này, người ta không quên nhắc đến ông Giàng A Di tại bản Liếng, xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo.

Ông Di sinh năm 1958, năm nay 63 tuổi và đã có 11 năm tuổi Đảng (ông Di được kết nạp Đảng năm 2010).

Điện Biên mùa này nắng vàng suộm, chiều tối sương đầu mùa đã giăng, lảng vảng nơi sườn núi, xóm làng; đổ cua, đổ đèo chúng tôi tìm tới Tuần Giáo để gặp người đảng viên có thâm niên này.

11 năm của buổi đầu tiên được tổ chức cơ sở tin tưởng, ông Di chính thức trở thành đảng viên đầu tiên của người dân tộc theo Tin lành của Điện Biên. 11 mùa nương rẫy qua đi nhưng ông Di vẫn không quên ngày mình được đứng dưới lá cờ Đảng để tuyên thệ và nhận lấy những trọng trách về mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ông Di bảo, để được đứng trong hàng ngũ Đảng, ông đã phải cố gắng phấn đấu nhiều lắm. Ngoài việc trau dồi, cố gắng là người tốt, ông nhớ nhất là năm 2004, lúc ấy tình hình của cộng đồng người Mông trên này khá phức tạp, gắn với sự kiện Mường Nhé. Nghe xúi giục, nhiều người Mông ở Tây Bắc, trong đó có người Mông ở Mường Thín quê ông đã tìm tới Mường Nhé với sự mong đợi Chúa trời phong vua, phong thần ở đây cho người dân bớt khổ.

Trước những suy nghĩ mơ hồ và lạc hậu ấy, không quản ngày đêm, ông đã cùng cán tới các hộ dân vận động. Bằng ngôn ngữ và suy nghĩ trực tính vốn có của người Mông, ông phân tích đúng sai và khuyên các gia đình ở lại.

Với quan điểm có làm mới có ăn, không có Chúa trời nào ban phát bổng lộc, lương thực cho con người ta cả; để giữ dân, bằng sự vận động của mình, ông Di đã huy động 14 hộ dân ra đồi Hua Công lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nhận giữ 72 ha rừng khoanh nuôi tái sinh.

Bằng việc áp dụng các biện pháp khoa học vào trồng cấy và chăn nuôi nên thu nhập của ông Di và 14 hộ dân khác đã tăng lên đáng kể cùng đó là tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau được nâng cao, cái đói, cái nghèo theo đó cũng bị đuổi đi nhanh chóng.

Với những việc làm hết sức thực tiễn này nên các hộ dân theo đạo Tin lành từ những năm 1980 tại bản Liếng này đã chính thức được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung. Và cùng với đóng góp của mình, từ vai trò trưởng bản, ông Di đã thành công an viên của xã, và đến năm 2010, ông được cấp ủy địa phương tin tưởng, cho bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tìm nguồn cho Đảng

Đánh giá về vai trò của đảng viên là người có đạo, ông Phạm Khắc Quân - Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Đảng viên là người theo tôn giáo đều được cấp ủy, chi bộ phân công nhiệm vụ theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và Quy định số 06-QĐi/TW. Các đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền vận động đồng bào theo tôn giáo, nhà tu hành, chức sắc, chức việc hiểu và thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện sống tốt đời đẹp đạo, phát huy giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, đấu tranh chống các hành vi lợi dụng tôn giáo hoạt động trái pháp luật…

Nằm phía Tây Bắc tỉnh Điện Biên, giáp biên giới Việt Lào, những năm gần đây Nậm Pồ cũng được coi là một trong các huyện của Điện Biên làm tốt công tác phát triển đảng viên là người theo tôn giáo. Hiện Nậm Pồ có 2 tôn giáo chính đang hoạt động gồm 8 hệ phái với khoảng trên 26.300 tín đồ, sinh hoạt tại 102 điểm nhóm, trong đó 93 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung. Với chủ trương “đưa Đảng vào đạo”, Nậm Pồ đang được coi là nơi có số lượng đảng viên là người theo tôn giáo lớn nhất toàn tỉnh, với 59 đảng viên.

Trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để phát triển đảng viên ở vùng đồng bào theo đạo. Ảnh: PV

Để đạt được kết quả này, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy: Nậm Pồ đã làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, nhất là việc xem xét cấp chứng nhận sinh hoạt tập trung và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt tôn giáo. Quản lý tốt thì sẽ giữ được mối liên hệ chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền với các nhóm tôn giáo, qua đó, tạo sự gần gũi, đồng thuận. Đồng thời kịp thời phát hiện, giải đáp mọi thắc mắc, hạn chế tối đa các vấn đề nổi cộm, bức xúc ngay từ cơ sở. Đó chính là tiền đề giác ngộ lý tưởng của Đảng, phát triển đảng viên trong đồng bào tôn giáo.

Xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ hiện có 9 đảng viên theo tôn giáo. Đa số đảng viên tôn giáo đều được tạo điều kiện tham gia các công tác cộng đồng, giữ các trọng trách tại xã, bản.

Ông Lù Văn Hợi, Bí thư Đảng ủy xã Vàng Đán cho biết: 5/7 bản của xã có người sinh hoạt đạo, với 9 điểm nhóm sinh hoạt tập trung. Hầu hết quần chúng có uy tín, năng lực đều được trao trọng trách tại bản, như y tá bản, thôn đội trưởng, an ninh bản, trưởng hội đoàn thể… Sau thời gian bồi dưỡng, kết nạp, nếu các đảng viên này phát huy tốt vai trò thì được tiếp tục bầu giữ hoặc tín nhiệm lên những vị trí cao hơn như bí thư chi bộ. Thực tế cho thấy, trao trọng trách cho quần chúng ưu tú, đảng viên không chỉ giúp rèn luyện, bồi dưỡng mà còn làm cho họ có tinh thần trách nhiệm cao hơn, nỗ lực hơn.

Rời miền đất Điện Biên cùng với những ghi nhận với kết quả đã đạt được của tỉnh này về việc phát triển đảng viên trong các tổ chức tôn giáo, chúng tôi càng vui thêm khi được biết, mới đây đảng viên trẻ Tô Hiến Quyên - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ (huyện Mường Chà) đã tự nguyện xung phong về bản sinh hoạt để phát hiện, gây dựng đảng viên ở lĩnh vực này. Hy vọng tới đây, từ sự năng nổ đầy nhiệt huyết này, “những hạt giống đỏ” - những đảng viên là người theo đạo tại vùng đất “ven trời đất nước” là Điện Biên sẽ tăng và đáp ứng được yêu cầu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm