Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 10/07/2020 - 06:35
(Thanh tra) – Trao đổi với PV Báo Thanh tra, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương (TƯ) cho biết, quy trình xem xét trường hợp đặc biệt rất chặt chẽ. Người đó phải thật sự xứng đáng, có đức, có tài và vị trí chưa tìm được người thay thế tốt hơn.
Tại Hội nghị TƯ 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “BCH TƯ khoá 13 cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên)”. Ảnh: Nhật Bắc
Cơ cấu 3 độ tuổi để không rơi vào tình trạng “chuối chín cả nải”
+ Thưa ông, tại hội nghị TƯ 12 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có lưu ý, khoá 13, cần “tăng cường số lượng Uỷ viên TƯ ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu”. Cần phải hiểu vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Lĩnh vực trọng yếu là những lĩnh vực về quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội, khối các cơ quan Đảng… Đây là những lĩnh vực phải có tỉ lệ Ủy viên TƯ để bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng.
Như các Đại hội gần đây, trong số các Ủy viên TƯ thì tỉ lệ tướng lĩnh quân đội, công an không phải thấp để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Còn lĩnh vực kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm thì cũng có số lượng Ủy viên TƯ đảm bảo. Hay số lượng Ủy viên TƯ ở các cơ quan như Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, đấy cũng là trọng yếu; lĩnh vực xây dựng Đảng đấy cũng là lĩnh vực trọng yếu.
+ Yếu tố vùng miền trong cơ cấu nhân sự dự kiến của khóa 13 có được xém xét không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Trong Văn kiện hiện nay không đặt vấn đề cơ cấu vùng miền, bởi đất nước Việt Nam là thống nhất, Đảng ta là thống nhất. Trước đây, có tư tưởng Tổng Bí thư là người miền Bắc, Thủ tướng người miền Nam và Chủ tịch Nước miền Trung nhưng bây giờ có thế đâu.
Nên khái quát đó chỉ là tương đối đúng vào thời điểm đó, chứ không đúng với hiện nay. Vấn đề vẫn là chọn người thật sự có đức, có tài, bảo đảm cơ cấu về độ tuổi, tỷ lệ giới…
+ Nhắc đến độ tuổi, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, “BCH TƯ khoá 13 cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên)”. Vì sao lại cơ cấu 3 độ tuổi?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Việc cơ cấu 3 độ tuổi vào BCH TƯ không phải lần đầu tiên mới đặt ra cho nhân sự Đại hội 13 mà việc này được xác định từ lâu. Cơ cấu này không chỉ áp dụng với cấp TƯ mà cho cả cấp ủy các cấp.
Nhưng trên thực tế ở địa phương có tình trạng không thực hiện đúng cơ cấu về độ tuổi dẫn đến gần Đại hội có một số nơi rơi vào tình trạng “chuối chín cả nải”.
Tức là các nhân sự vào cấp ủy đều cùng một độ tuổi, khi về hưu tất cả đều nghỉ, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nhân sự.
Căn cứ vào thực tế những nhiệm kỳ vừa qua, cũng như xuất phát từ thực trạng đội ngũ Ủy viên TƯ khóa 12 và khả năng để vào TƯ khóa tới, TƯ quy hoạch độ tuổi dưới 50 tuổi là từ 10 - 15%, 61 tuổi trở lên 10%, còn lại chủ yếu là độ tuổi 51 - 60.
Ở đây phải chú ý, nhân sự 61 tuổi trở lên vào TƯ vẫn thuộc diện tái cử theo quy định, chứ không phải 10% này đều là trường hợp đặc biệt.
Trường hợp đặc biệt phải thật sự có đức, có tài
+ Như thế nào thì được xem là nhân sự trường hợp đặc biệt ngoài độ tuổi, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Phải nói rằng, nhân sự bầu vào TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mấy khoá gần đây đều có trường hợp đặc biệt.
Như BCH TƯ khoá 12 này có 3 Ủy viên TƯ khoá 11 quá tuổi là các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam. Còn Bộ Chính trị có trường hợp đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.
Trong quy định thì cũng nói rõ về trường hợp đặc biệt. Ví dụ theo quy định, Ủy viên TƯ tái cử nhìn chung không quá 60 tuổi, thì trường hợp đặc biệt là quá 60 vẫn có thể giới thiệu để bầu lại BCH TƯ khóa mới. Tương tự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là không quá 65 tuổi, còn quá 65 là trường hợp đặc biệt.
+ Tại sao lại có trường hợp đặc biệt, phải chăng do thiếu người hay do vị trí đó không tìm được người phù hợp?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Có nhiều lý do để chọn trường hợp đặc biệt. Đầu tiên, bản thân người đó thật sự có đức, có tài, ở lại có lợi cho Đảng, cho dân. Sau đó mới đến lý do thứ hai là lĩnh vực đó chưa tìm được người thay thế tốt hơn.
Trong lịch sử Đảng ta trước đây chọn nhân sự không căn cứ độ tuổi. Những người có tài năng, đức độ, còn sức khỏe vẫn làm việc. Như Bác Hồ làm việc tới 79 tuổi, hay ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư khi 74 tuổi…
Trên thế giới nhiều nơi cũng không tính tuổi chính khách như trường hợp Thủ tướng Malaysia 92 tuổi.
Bây giờ, tuổi thọ bình quân của nước ta đã tăng lên 74, Quốc hội cũng thông qua việc tăng dần tuổi nghỉ hưu từ năm 2021. Nhưng độ tuổi để bầu, tái cử vào BCH TƯ, Bộ Chính trị thì chưa thay đổi. Tôi cho rằng, cái này cần phải nghiên cứu để tận dụng được người tài. Bây giờ nhiều Ủy viên TƯ 60 tuổi có đủ đức độ mà nghỉ hưu sớm thì phí quá.
Quy trình xem xét rất chặt chẽ
+ Vậy với các trường hợp đặc biệt thì quy trình giới thiệu, bầu thực hiện như thế nào, thưa không?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Hội nghị TƯ vừa rồi thống nhất, số lượng BCH TƯ khóa 13 dự kiến là 200 người, trong đó khoảng 180 là Ủy viên chính thức, 20 dự khuyết giống như khóa 12.
Hiện nay chúng ta có 194 Ủy viên TƯ chính thức và dự khuyết. Căn cứ dự kiến, trước khi xem xét trường hợp đặc biệt, bước đầu tiên phải xem xét trong 194 người này, ai còn đủ độ tuổi, đủ tiêu chuẩn để giới thiệu tái cử.
Bước hai là xem xét đến những người lần đầu tiên tham gia BCH TƯ, nhân sự được giới thiệu nhìn chung là theo quy hoạch nhưng ai đặc biệt xuất sắc mà chưa nằm trong quy hoạch cũng có quyền được giới thiệu.
Sau đó mới đến bước thứ ba là xem xét các trường hợp đặc biệt, mà đã gọi là đặc biệt thì rất ít.
Hội nghị TƯ vừa rồi cũng nhất trí dự kiến số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 từ 17-19 người; Ban Bí thư dự kiến từ 11- 13 người nhưng không phải tất cả mới mà có một số lượng Ủy viên Bộ Chính trị phân công kiêm luôn Ủy viên Ban Bí thư.
Cách giới thiệu Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng theo 3 bước tương tự như tiến hành nhân sự Ủy viên TƯ.
Tại hội nghị 12 TƯ nói rõ, trường hợp đặc biệt cần phải cơ cấu vào BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị sẽ xem xét, cân nhắc một cách kỹ lưỡng, báo cáo BCH TƯ và trình Đại hội 13 xem xét, quyết định.
Theo quy định, những trường hợp đặc biệt, Tiểu ban Nhân sự thảo luận trước, sau đó Tiểu ban báo cáo Bộ Chính trị, rồi Bộ Chính trị trình TƯ. Lúc này TƯ thảo luận rất kỹ để xem trường hợp này có nên đặc biệt hay không.
+ Qua theo dõi các khóa, ông thấy khi thảo luận về các trường hợp đặc biệt, thường các ý kiến đưa ra dựa trên cơ sở, lý lẽ nào?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Như tôi đã nói, phải căn cứ vào bản thân nhân sự đó có thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín không, kể cả sức khoẻ còn không. Tiếp đó, vị trí đó đã tìm được người thay thế xứng đáng chưa.
Người đó phải thật sự xứng đáng mới được giới thiệu trường hợp đặc biệt, còn lại “tre già, măng mọc”, người này nghỉ thì có người khác làm thay.
Ví dụ, trường hợp ông Uông Chu Lưu là người có năng lực nổi trội và đủ tiêu chuẩn; đồng thời vị trí đó cần người như thế, Quốc hội cần một người am hiểu về luật, thể chế như ông Uông Chu Lưu... Những căn cứ đó đều được đưa ra thảo luận rất kỹ tại Đại hội.
Với các trường hợp đặc biệt không phải chỉ có Bộ Chính trị quyết là xong, mà Bộ Chính trị trình BCH TƯ, BCH TƯ lại phải trình Đại hội để xem có nhất trí danh sách giới thiệu để bầu như thế không.
Tinh thần, các trường hợp đặc biệt phải xem xét rất kỹ lưỡng, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện cần và đủ với một quy trình rất chặt chẽ.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương