Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội, nhà ở cho người từ 35 tuổi trở xuống

Hương Giang

Thứ ba, 11/02/2025 - 15:24

(Thanh tra) - Nêu rõ, ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời quán triệt nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho đối tượng khó khăn.

Nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi về nhà ở cho người từ 35 tuổi trở xuống là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ khi phát biểu kết luận Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, sáng 11/2.

Hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay

Điểm lại một số việc đã làm được trong năm 2024, Thủ tướng đánh giá ngành Ngân hàng, trong đó các ngân hàng thương mại đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát bội chi, nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nghiên cứu Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống. Ảnh: N.Bắc

Ngành Ngân hàng cũng chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay; kiểm soát nợ xấu tốt hơn so với các năm trước; tham gia các dự án BOT, các dự án lớn của Chính phủ và doanh nghiệp.

Với năm 2025, đặc biệt nhấn mạnh mục tăng trưởng GDP ít nhất từ 8% trở lên; tăng trưởng tín dụng khoảng trên 16%, Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

8 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành Ngân hàng và các ngân hàng thương mại cần tập trung thực hiện được Thủ tướng nêu rõ tại hội nghị.

Trong đó, theo người đứng đầu Chính phủ, ngành Ngân hàng cần tiết giảm chi phí, tổ chức lại để hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.

Song song là đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, những biểu hiện tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng, giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngành Ngân hàng cũng phải tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thủ tướng giao có biện pháp thí điểm triển khai và quản lý ngân hàng ảo.

Loại bỏ phần tử xấu khỏi hệ thống ngân hàng, không thể trục lợi từ khách hàng

Nhiệm vụ nữa, theo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: N.Bắc

“Các ngân hàng hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận thì phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, bởi nước nổi thì bèo nổi”, Thủ tướng nói và lưu ý việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài gây lãng phí của các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi số doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng rất lớn, giải quyết nhiều việc làm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, những sai phạm vừa qua liên quan đến trái phiếu có phần trách nhiệm của các ngân hàng. Vì vậy, theo ông, cần rà soát, chấn chỉnh lại đạo đức kinh doanh, loại bỏ phần tử xấu khỏi hệ thống ngân hàng, không thể đẩy khách hàng vào hoàn cảnh khó khăn, trục lợi từ khách hàng. 

Cơ quan thanh tra của ngành Ngân hàng cũng cần hoạt động hiệu quả hơn, Thủ tướng quán triệt.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc được giao trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; sửa đổi quy định liên quan tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại cổ phần.

Với các kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng giao các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xử lý với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, cân đong đo đếm được”.

Đề xuất tiến tới xóa bỏ điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng

Trước đó, các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá ngành ngân hàng trong năm 2024 đã thực hiện tốt kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu ổn định tỷ giá, giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh. Ảnh: N.Bắc

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank khẳng định sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao. Việc này nhằm góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Lãnh đạo HDBank cũng cho biết đã thành lập và hỗ trợ hoạt động của quỹ đầu tư AI và Blockchain nhằm xây dựng các sản phẩm công nghệ "Made-in-Vietnam".

Bà Thảo kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn; giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho các chương trình ưu tiên; điều hành tỉ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu. 

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho biết với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000 km cao tốc, ngân hàng này đã tham gia nhiều dự án như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Gần đây, TPBank đã ký ngay hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sớm sẽ giải ngân ngay.

Kiến nghị giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, ông Phú tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay như Ngân hàng Nhà nước đặt ra hoàn toàn khả thi.

Liên quan đến nội dung các dự án hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết đang có 11 dự án BOT giao thông gặp khó khăn cần xử lý, trong đó 7 dự án đã cơ bản giải quyết dứt điểm. 

Để giải quyết các khó khăn này cũng như triển khai các dự án BOT mới, theo ông Minh, cần sự chung sức, đồng lòng, chia sẻ giữa các bên liên quan.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ngành giao thông rất cần sự đồng hành của ngân hàng với tổng mức đầu tư cho 5 loại hình giao thông cần khoảng 6,27 triệu tỷ đồng từ nay tới năm 2035.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm