Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghệ sĩ không sợ nhiều luật, không sợ ít luật, mà sợ luật không rõ ràng

Hương Giang

Thứ bảy, 17/12/2022 - 14:08

(Thanh tra) - Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung cho biết, nghệ sĩ không sợ nhiều luật, không sợ ít luật, mà sợ luật không rõ ràng, không cụ thể, khi tác phẩm bị vướng vào các quy định như vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người làm sáng tạo.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung trao đổi tại Hội thảo Văn hóa với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa"

Ngày 17/12, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Văn hoá là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, mỗi can thiệp phải tính toán kỹ lưỡng

Tham luận và nêu ý kiến tại tọa đàm bàn tròn, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung đề cập đến chế độ kiểm duyệt, cấp phép.

“Nếu chế độ kiểm duyệt của chúng ta vẫn đang loay hoay xét duyệt, phúc khảo những bài hát có tuổi đời hơn nửa thế kỷ của những nghệ sĩ tên tuổi hay thậm chí phúc khảo cả dàn nhạc giao hưởng với nhạc phẩm Carmen của Bizet thì cơ hội nào cho những sự thể nghiệm đôi khi mang tính phá cách của lớp trẻ?”, nhạc sĩ này nêu.

Nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ “không hề phản đối việc kiểm duyệt cấp phép” những chương trình ca nhạc, nhưng theo ông, đã đến lúc cần thay đổi, nhìn nhận là những hướng dẫn, định hướng mang tính ủng hộ, hỗ trợ cho các nhà sản xuất tư nhân, thay vì kiểm soát hay soi xét.

“Thời đại 4.0, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể cấp phép, xét duyệt bằng văn bản, đi kèm là những cam kết và chế tài nghiêm khắc. Điều này mang lại sự thuận tiện, hậu thuẫn, tiết kiệm thời gian, nhân lực và kinh phí cho các nhà sản xuất.

Sự quản lý và kiểm duyệt cũng cần có sự đồng nhất và tránh những cảm tính cá nhân. Cần có những quy định, luật định rõ ràng, tỉ mỉ cho dù những quy định ấy có thể có những đặc thù và khắt khe thì đều vẫn sẽ nhận được sự đồng lòng của tất cả”, nhạc sĩ Quốc Trung đề xuất.

Toàn cảnh phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”

Ông Bùi Hoài Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục nhấn mạnh, văn hoá là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, nhạy cảm trong đời sống xã hội nên mỗi can thiệp phải tính toán kỹ lưỡng, trong đó có “tiền kiểm” và “hậu kiểm”.

Theo ông Sơn, xu thế chung là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” vì nó phù hợp với bối cảnh chung của đời sống kinh tế - xã hội và sức sáng tạo văn hoá vô cùng lớn.

Song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục lưu ý, điều đó không có nghĩa là không có “tiền kiểm”, mà thông qua các quy định để các văn nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm phù hợp với xã hội.

“Cơ chế hậu kiểm giúp ít nhất 2 việc lớn: Tăng cường trách nhiệm của người nghệ sĩ với tác phẩm và giúp hàng hoá, dịch vụ văn hoá đến với thị trường nhiều hơn”, ông Sơn phân tích.

GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ quan điểm đồng tình chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Theo bà, những gì pháp luật không cấm thì công dân, tổ chức, nhà sản xuất có quyền làm để từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, đa dạng văn hóa.

Chủ động ngăn chặn thông tin xấu, độc từ gốc

Vấn đề đặt ra, làm thế nào để chống văn hóa độc hại, nhất là những nội dung “độc hại” tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng ngoại?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho hay, việc ứng xử, xử lý các nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn nữa vì chúng ta đã có sự thay đổi nhận thức, ý chí và thể chế, chính sách.

Theo ông, chúng ta không cấm tuyệt đối mà phải “gạn đục khơi trong”, kéo toàn xã hội cùng làm để nhận biết đâu là thông tin “độc hại”, là “rác” để có ứng xử phù hợp.

Khẳng định những thành tích trong ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng mạng xã hội, Thứ trưởng cho rằng, phải chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không để “rác lên mạng rồi mới dọn dẹp”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: P.Thắng

“Hiện khó khăn nhất là các cơ quan chưa kiểm soát được tập quán chia sẻ thông tin của các nền tảng xuyên biên giới. Có cơ sở nghĩ rằng, một số nền tảng khi vào Việt Nam thì có xu hướng gợi ý những thông tin xấu độc, điều này làm người xem tiếp cận và phơi nhiễm với thông tin xấu. Do đó, cần có thêm thời gian để nhận diện xác định đúng vấn đề này để có biện pháp”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, tới đây quy định mới có hiệu lực sẽ tạo sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài vào Việt Nam tuân thủ pháp luật.

Ở góc độ hoàn thiện thể chế về văn hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, khi xây dựng một đạo luật, phải đánh giá thực tiễn và những đối tượng điều chỉnh, chịu tác động...

Cạnh đó, cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật phải lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về dự án luật cần xây dựng.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ không bị giới hạn bởi những quy định pháp luật.

“Nghệ sĩ không sợ nhiều luật, không sợ ít luật, mà sợ luật không rõ ràng, không cụ thể, khi tác phẩm bị vướng vào các quy định như vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người làm sáng tạo”, nhạc sĩ nói.

Từ đó, nhạc sĩ nhấn mạnh, trong xây dựng chiến lược văn hóa, công tác xây dựng pháp luật cần được chú trọng. Bởi người làm văn hóa cần những quy định pháp luật đi trước để mở hành lang phát triển, chứ không chỉ là giải quyết các vấn đề cũ.

Cần tầm nhìn dài hạn trong xây dựng chiến lược phát triển văn hóa để định hướng cho sự phát triển, tạo điều kiện phát huy nguồn năng lực sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam - theo đề xuất của nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm