Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, tạo trường tồn và phồn vinh của đất nước

Hương Giang

Thứ bảy, 17/12/2022 - 09:07

(Thanh tra) - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước.

Hội thảo được chủ trì bởi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: Phạm Thắng

Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 17/12.

Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao

 Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế.

“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Theo ông Mẫn, hội thảo sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, hội thảo là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam những năm qua.

“Phải chăng hệ thống luật pháp, các chiến lược, chính sách vẫn còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, chưa được rà soát kịp thời để xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung cập nhật với tình hình mới’, ông Thắng nêu.

Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hoà nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, các vùng miền và các địa phương trong cả nước.

Vì vậy, đòi hỏi các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hoá Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đất nước.

Văn hóa không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”

Trong đó, ông Thắng nhấn mạnh, phải xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Theo ông, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường đã mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa.

“Đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hoá các sản phẩm văn hoá gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Cạnh đó là kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế. Theo ông Thắng, quá trình hội nhập văn hóa đòi hỏi giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc phải đi đôi với mở cửa, giao lưu, tiếp biến văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, phù hợp với xu thế của thời đại.

“Đặc biệt, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp phải tăng cường sức đề kháng văn hoá để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hoá, bài trừ các hình thức văn hoá lai căng, đồi truỵ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”

Ông Thắng cũng cho rằng, phải kết nối giữa truyền thống và hiện đại; phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.

Từ thực tiễn phát triển của nền văn hoá Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề về bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách; đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hoá.

“Một vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta rất cần có khung khổ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dựa trên văn hoá, các giá trị văn hoá và con người; cần bảo đảm “tính đúng, tính đủ” các giá trị văn hoá, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình phát triển”, ông Thắng nêu.

Phát triển con người là mục tiêu của phát triển văn hóa

Ông cũng đề nghị có chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá… Bởi, giữa thể chế, công nghệ và con người thì con người giữ vai trò quyết định nhất trong mọi quá trình phát triển.

“Trong phát triển văn hoá còn hơn thế: phát triển văn hoá gắn với phát triển con người, luôn đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu của phát triển văn hoá”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông, chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa rất cần xuất phát từ yếu tố đặc thù của lĩnh vực này, nghĩa là cùng với đào tạo, bồi dưỡng, họ rất cần được tôn trọng, khuyến khích, động viên, đãi ngộ và tôn vinh, được chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng

Vấn đề nữa, các ngành công nghiệp, dịch vụ văn hoá rất đa dạng, có thể kể đến như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa...

“Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch ưu tiên phát triển, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, ngành chủ chốt, có tiềm năng, thế mạnh trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương”, ông Thắng đặt vấn đề.

Ngoài ra, để phát triển văn hóa, ông Thắng lưu ý, cần dựa cả vào nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội.

“Với các nguồn lực của nhà nước, cần thực sự đổi mới nội dung, phương thức đầu tư phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả cũng như tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nói.

Song song với đó, là xây dựng cơ chế khuyến khích liên kết, hợp tác để gia tăng các nguồn lực cho phát triển văn hóa, gồm: Liên kết giữa các lĩnh vực văn hóa; liên kết, hợp tác giữa các địa phương, vùng miền; liên kết, hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức và quốc gia trên thế giới; liên kết, hợp tác giữa các chủ thể nhà nước, người dân và doanh nghiệp….

Hội thảo diễn ra trong 1 ngày với 800 đại biểu tham dự trực tiếp, với 3 phiên chuyên đề trong buổi sáng và phiên toàn thể vào chiều cùng ngày.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm