Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Kiểm sát phải tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và uy tín trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thái Hải

Thứ tư, 28/12/2022 - 17:20

(Thanh tra) - Ngày 28/12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) triển khai công tác năm 2023 của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả của ngành Kiểm sát trong năm 2022. Ảnh: TTX

Báo cáo kết quả công tác năm 2022 cho thấy, ngành KSND đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 86.756 vụ án hình sự, tăng 2,4% so với năm 2021.

Trong công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, năm 2022, VKSNDTC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã phát hiện, khởi tố mới để điều tra, truy tố nhiều vụ án trong một số lĩnh vực liên quan đến chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu... với quy mô đặc biệt lớn và tính chất rất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, đến nay đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao, như: Các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương có liên quan, Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC), Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh...

Ngành Kiểm sát cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, yêu cầu và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, thu giữ, kê biên tài sản có giá trị lớn, như: Cổ phiếu, bất động sản… Theo đó, đã thu hồi được số tiền gần 365.000 tỉ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát, tăng gần 350.000 tỉ đồng so với năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: những kết quả công tác của ngành KSND trong năm 2022 đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành KSND trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng và những đóng góp quan trọng của ngành KSND đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2022” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTX

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023 và thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu VKSND cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 27 của Trung ương (khóa XIII), trong đó liên quan đến ngành KSND là “hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử...”.

Ngành Kiểm sát chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp tăng cường năng lực của ngành KSND. Qua đó, tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Nâng cao hơn nữa vai trò cơ quan điều tra của VKSNDTC để khởi tố, điều tra hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, hành vi tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định. Qua đó, làm tốt vai trò của VKSND trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực tư pháp dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, thực hiện tốt các nguyên tắc tố tụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo chặt chẽ, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; vừa đảm bảo xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi, đồng thời đảm bảo tính nhân văn, thuyết phục.

Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, Bộ Công an, TAND Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước trong nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá; xét đơn xin ân giảm án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình.

Chủ tịch nước lưu ý, xác định con người là yếu tố quyết định, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” nên ngành Kiểm sát cần tập trung tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTX

Mặt khác, ngành Kiểm sát cần tiếp tục chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự; tăng cường kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của Viện kiểm sát nói riêng; khẩn trương tổng kết thực tiễn, phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương nhưng chưa có người đứng ra bảo vệ theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương (khóa XIII) mới ban hành. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn lực lượng và triển khai thực hiện công tác giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Ngoài ra, ngành Kiểm sát cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối Trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Đồng thời, cùng với việc xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thì ngành KSND cũng cần hết sức quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin trong hệ thống thông tin của ngành KSND nói chung, của VKSND Tối cao nói riêng.

Chủ tịch nước tin tưởng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới và trách nhiệm, kỷ cương của ngành Kiểm sát; đồng thời, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần “tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm