Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng

Hoàng Nam

Thứ năm, 04/01/2024 - 14:45

(Thanh tra) - Sáng ngày 4/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại các đơn vị kiểm toán khu vực.

Ảnh: Hoàng Nam

Với phương hướng, nhiệm vụ “Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN; hoàn thành toàn diện kế hoạch hoạt động năm 2023 trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, nên năm 2023, kế hoạch kiểm toán được xây dựng với 129 nhiệm vụ, giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn kiểm toán/232 đoàn) so với năm 2022.

Tính đến ngày 15/12/2023, toàn ngành đã kết thúc kiểm toán 171 cuộc, phát hành 173 báo cáo kiểm toán. Nhìn chung, kế hoạch kiểm toán được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt; kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.

KTNN kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.392,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 133 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý có nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán được Tổng KTNN đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm theo quy định; đồng thời, tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của ngành.KTNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương bằng việc gửi văn bản xin ý kiến tham gia vào kế hoạch kiểm toán năm của KTNN. Đặc biệt, KTNN đã làm việc trực tiếp với Thanh tra Chính phủ để rà soát, kiểm tra kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra của 2 cơ quan trước khi Tổng KTNN ban hành kế hoạch kiểm toán nhằm tránh chồng chéo giữa hoạt động của KTNN và hoạt động của cơ quan Thanh tra các cấp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác. Đồng thời, trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNN cũng chủ động điều chỉnh giảm, không kiểm toán đối với những đầu mối, đơn vị đã được các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thanh tra chuyên ngành và thanh tra tỉnh thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán.Trong năm, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 1 dự án (thuộc Trung tâm chiếu xạ tỉnh Đồng Nai); KTNN đã cung cấp 299 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát... cung cấp nhiều báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2024. Ảnh: Hoàng Nam Tổng hợp sơ bộ kết quả đến ngày 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 57.060,65/71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp (cùng kỳ năm 2022 là 25 văn bản); có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.Năm 2024, KTNN xác định phương hướng, nhiệm vụ là “Triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán NSNN, gia tăng hiệu lực kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Theo kế hoạch, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 là 121 nhiệm vụ so với 129 nhiệm vụ năm 2023, trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương (đảm bảo kiểm toán từ 80-90% báo cáo quyết toán) và các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành đảm bảo chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Nam

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận: Năm 2023, KTNN có nhiều báo cáo gửi Quốc hội, đại biểu Quốc hội với chất lượng tốt, nổi bật là chất lượng ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.

Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2024 có những đổi mới theo hướng tiếp tục giảm đầu mối, nhiệm vụ kiểm toán (thực hiện 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023), trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các cuộc kiểm toán chuyên đề.

Với kết quả nổi bật nêu trên cùng nhiều kết quả tốt trong các mặt công tác khác, KTNN ngày càng khẳng định vị thế của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Báo cáo kiểm toán trở thành nguồn cung cấp thông tin chính xác, tin cậy cho các đại biểu Quốc hội và HĐND địa phương phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong xây dựng chính sách và trong hoạt động giám sát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của KTNN tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm