Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

"Một cán bộ bình thường đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì khó”

Hương Giang

Thứ ba, 12/01/2021 - 15:17

(Thanh tra) - “Một cán bộ bình thường đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì khó, vì ngay Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể, tất nhiên là kiêng nể có nguyên tắc. Vấn đề gì thuộc về lòng tin, về trách nhiệm đối với công việc chung là tôi bảo vệ. Thậm chí, tôi biết bị ghét nhưng vẫn phải làm”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí thẳng thắn chia sẻ.

Toàn cảnh phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: NT

Sáng ngày 12/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao.

Một trong những vấn đề được đề nghị làm rõ hơn là việc tranh tụng tại các phiên toàn vì đây là một trong những điểm đổi mới rõ nét so với nhiệm kỳ trước.

Ngay Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, chủ thể tranh tụng không phải tòa án mà là Viện Kiểm sát và luật sư, bên buộc tội và bên gỡ tội. Tòa chỉ là cơ quan tạo điều kiện tối đa cho tranh tụng và sử dụng kết quả tranh tụng.

"Tranh tụng tốt, chúng ta lắng nghe được ý kiến phản biện, chúng tôi không hạn chế việc tranh tụng", ông Bình nói và nhấn mạnh, “tranh tụng là con đường dẫn đến công lý”.

Nhấn mạnh với án hình sự, tranh tụng không có gì phải băn khoăn và đã có tiến bộ so với trước đây, song theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, với những vụ án dân sự, hành chính thì có một số khó khăn.

Ông Trí nhìn nhận, có tình trạng cả nể. Bởi một kiểm sát viên công tác ở Viện KSND huyện, tỉnh ra tòa buộc họ phát biểu mạnh về ông chủ tịch tỉnh thì mai mốt chắc không dễ làm việc.

“Một cán bộ bình thường đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì khó, vì ngay Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể, tất nhiên là kiêng nể có nguyên tắc chứ không phải không có nguyên tắc. Vấn đề gì thuộc về lòng tin, về trách nhiệm đối với công việc chung là tôi bảo vệ. Thậm chí, tôi biết bị ghét nhưng vẫn phải làm. Nhưng yêu cầu tất cả các cán bộ dưới quyền đều làm như mình hết thì không phải dễ”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao thẳng thắn chia sẻ.

Ông cũng nhìn nhận rằng, ngay cả trong hệ thống tính “cả nể” còn lớn, chứ không riêng ở khối tư pháp.

Ngoài ra, theo ông Trí, án dân sự, hành chính đòi hỏi kiến thức rất tổng hợp về kinh tế, xã hội, chuyên ngành. Như liên quan đến đất đai thì phải hiểu về đất đai nhiều thời kỳ vì có những vấn đề từ mấy chục năm trước bây giờ mới tranh chấp.

“Tiến sỹ mà không rành về đất đai thì cũng không trả lời, tranh tụng hay phát biểu một cách đầy đủ được. Nên trong những năm gần đây, tôi yêu cầu tổ chức tập huấn các lớp bồi dưỡng kiến thức bổ sung, nâng kiến thức anh em lên”, ông Trí nêu.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: NT

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng nêu khó khăn khi tốc độ các vụ án hành chính và dân sự tăng rất nhanh những năm gần đây, từ 250 lên 350 vụ, tạo áp lực cho cả tòa, viện. Các cơ quan đều có những nỗ lực, cố gắng chuyển biến tốt, nhưng so với yêu cầu là “cuộc rượt đuổi, không đơn giản”.

Có vụ bị can hứa khắc phục 500 tỷ đồng, khi vợ vào gặp lại thay đổi

Đề cập đến vai trò của luật sư, theo ông Lê Minh Trí, luật sư là chế định góp phần bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, khi luật sư thực hành nghề lại có yếu tố bảo vệ thân chủ và đây là vấn đề có tính 2 mặt.

Khi bảo vệ thân chủ, luật sư dùng hết những điều có thể để bảo vệ quyền con người, kể cả cản trở quá trình điều tra chứng minh tội phạm. Theo ông Trí, đây là vấn đề có 2 mặt.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, ông đã chỉ đạo các kiểm sát viên khi có yêu cầu luật sư tham gia phải làm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự hài hòa trong quá trình điều tra.

Ông cho hay, có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã đồng ý với điều tra viên và kiểm sát viên sẽ khắc phục hậu quả 800 tỷ đồng, nhưng luật sư vào gặp thì sau đó đối tượng không nói gì đến chuyện khắc phục 800 tỷ đồng nữa.

“Vì luật sư nói, nếu ông nộp 800 tỷ, người ta sẽ hỏi ở đâu có, là ông tham nhũng thì còn chết hơn nữa”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao dẫn chứng.

Dẫn chứng thêm một vụ khác, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, trong vụ án này bị can hứa nộp khắc phục 500 tỷ đồng nhưng vợ bị can vào gặp có một lần duy nhất thì bị can lại thay đổi.

“Người vợ nói gì mình không biết, nhưng những cuộc gặp như thế xong là thay đổi lời khai”, ông Lê Minh Trí nêu.

Từ 2 dẫn chứng trên, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, quá trình điều tra ngoài việc bảo vệ quyền con người nhưng phải đảm bảo hiệu quả đấu tranh chống tội phạm.

Theo ông, cơ quan tiến hành tố tụng cấp phép cho luật sư tham gia bảo vệ thân chủ nhưng cũng phải tính đến nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm để chứng minh bản chất tội phạm, cần phải hài hòa trong vấn đề này.

“Với trách nhiệm người đứng đầu ngành Kiểm sát, tôi sẽ trực tiếp lắng nghe và sẽ có điều chỉnh, chia tách những nội hàm, nội dung để làm sao phản ảnh đầy đủ hơn”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm