Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lý giải cơ quan thanh tra được trích từ tiền thu hồi qua thanh tra

Hương Giang

Thứ ba, 22/08/2023 - 07:37

(Thanh tra) - Chính phủ vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: P.Thắng

Báo cáo do Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng ký ngày 21/8, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giữ mức trích như phương án Chính phủ trình trước đó.

Ngân sách cấp chưa tính yếu tố đặc thù, chưa đủ phục vụ công tác thanh tra

Cụ thể, Chính phủ đề xuất Thanh tra Chính phủ được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 200 tỷ đồng/năm.

Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương; thanh tra tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước với số nộp đến 20 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước với số nộp từ trên 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 30 tỷ đồng/năm.

Thanh tra sở, thanh tra quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc Trung ương, thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước với số nộp đến 3 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 5 tỷ đồng/năm.

Giải trình về nội dung này, báo cáo của Chính phủ cho hay, mức trích hiện nay đã được áp dụng từ năm 2012 đến nay, trong khi như mức lương cơ sở đã qua 7 lần tăng từ 1.050.000 lên 1.800.000, tương ứng tăng 71%. Tốc độ tăng giá do lạm phát từ 2012 đến nay cũng khoảng 42%.

Việc tăng biên độ như dự thảo nghị quyết Chính phủ đề xuất thì kinh phí trích cho cơ quan thanh tra ước tăng 45 tỷ đồng/năm (ngân sách Trung ương tăng 27 tỷ đồng/năm, địa phương tăng 18 tỷ đồng/năm), tương ứng tăng 12%.

Trong khi, nhiệm vụ với cơ quan thanh tra ngày càng tăng, yêu cầu và áp lực trong công tác của ngành Thanh tra ngày càng cao, nhất là trong công tác thanh tra phát hiện, xử lý vi phạm và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Thực tế, nguồn kinh phí trích cho cơ quan thanh tra trong những năm qua có tác dụng bù đắp cho sự thiếu hụt của cơ chế tài chính hiện hành chưa tính hết các yếu tố đặc thù của cơ quan thanh tra khi phân bổ dự toán chi thường xuyên theo biên chế, chưa đủ phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra đang gặp nhiều áp lực, khó khăn, vất vả trong công tác”, báo cáo nêu.

Chính phủ thông tin, theo Thông tư số 327 ban hành từ năm 2016, có: Thanh tra Chính phủ; thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; thanh tra tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; thanh tra sở; thanh tra huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh là đối tượng được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách Nhà nước.

Số biên chế của cơ quan thanh tra ước tính là 18.242 người, theo số liệu thống kê năm 2020.

Ngoài ra, tại một số bộ, địa phương có biên chế thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khoảng 15.454 người, không được hưởng cơ chế nguồn trích theo Thông tư 327.

Mỗi năm kinh phí trích khoảng 380 tỷ đồng cho 1.740 cơ quan thanh tra

Qua đánh giá 5 năm giai đoạn 2018 - 2022 về thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 cho thấy, bình quân mỗi năm, nguồn kinh phí trích khoảng hơn 380 tỷ đồng cho 1.740 cơ quan thanh tra. Tổng kinh phí được trích cả giai đoạn này là hơn 1.902,6 tỷ đồng..

Trong đó, Thanh tra Chính phủ được trích bình quân 113,6 tỷ đồng mỗi năm. 11 thanh tra bộ được trích bình quân hơn 52,2 tỷ đồng mỗi năm (7 bộ, cơ quan ngang bộ không được trích do không có số thu hồi, gồm: Ngoại giao, Công an, Nội vụ, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước).

Thanh tra tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được trích bình quân hơn 214,6 tỷ đồng mỗi năm. Còn thanh tra cấp sở, huyện, phần lớn không có nguồn trích hoặc có nguồn trích thấp.

Cũng 5 năm qua, các cơ quan thanh tra được ngân sách Nhà nước cấp hơn 9.329 tỷ đồng, bình quân hơn 1.865,8 tỷ đồng mỗi năm để chi hoạt động thường xuyên, chủ yếu là tiền lương, bảo đảm chi hành chính, mua sắm trang thiết bị làm việc, sửa chữa tài sản.

So sánh nguồn kinh phí trích với nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho thấy, nguồn kinh phí trích chiếm khoảng 20,39% nguồn kinh phí ngân sách cấp cho các cơ quan thanh tra để chi hoạt động thường xuyên.

“Nếu không có nguồn kinh phí trích thì cơ quan thanh tra gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm tài chính cho hoạt động của cơ quan thanh tra, nhất là các hoạt động mang tính đặc thù và có tính chất phức tạp trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, theo báo cáo giải trình của Chính phủ.

Đề cập đến việc sử dụng nguồn kinh phí được trích, Chính phủ cho hay, giai đoạn 2018 - 2022, các cơ quan thanh tra đã sử dụng từ nguồn kinh phí được trích để chi phục vụ các hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chi mua tin phục vụ việc xử lý thu hồi tiền vi phạm; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, bình quân mỗi năm hơn 187,4 tỷ đồng (chiếm 51% tổng kinh phí trích).

Hơn 92,6 tỷ đồng bình quân mỗi năm được chi để khen thưởng, khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân trong và ngoài cơ quan thanh tra đã tích cực phối hợp trong công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Số tiền này, chiếm 25% tổng kinh phí được trích.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra sử dụng từ nguồn kinh phí được trích để chi tăng cường cơ sở vật chất; chi nghiệp vụ đặc thù và các khoản chi khác cho công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Trước đó, trong phiên họp ngày 16/8, đa số ý kiến tán thành ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra và thực hiện một số hoạt động khác. Về mức trích còn ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến  đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ quy định tại Thông tư số 327.

Theo chương trình phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết vào ngày 24/8.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm