Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thường vụ Quốc hội tán thành hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra

Hương Giang

Thứ tư, 16/08/2023 - 18:00

(Thanh tra) - Tán thành cơ quan thanh tra được trích một phần từ khoản tiền thu hồi sau thanh tra để hỗ trợ nâng cao hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình xem xét thông qua vào ngày 24/8.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình của Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh việc xây dựng nghị quyết đảm bảo cụ thể hóa yêu cầu của Luật Thanh tra năm 2022 về kinh phí hoạt động của các cơ quan thanh tra, chế độ chính sách đặc thù cho công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cạnh đó, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách; khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện cho các cơ quan thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ước tính số tiền được trích tăng 45 tỷ đồng/năm

Dự thảo nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Đề cập đến mức trích, Chính phủ đề xuất quy định theo tỷ lệ 30%, 20%, 10% như hiện hành, nhưng tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước được trích để phù hợp với thực tế.

“Lương cơ bản, chỉ số trượt giá tăng cao hơn so với thời điểm ban hành Thông tư số 327 năm 2016 và nguồn thu nộp vào ngân sách Nhà nước được phát hiện thu hồi qua công tác thanh tra có xu hướng giảm”, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nêu lý do đề xuất.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: P.Thắng

Tổng số kinh phí được trích bình quân trong 1 năm của giai đoạn 2018-2022 là 380 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo chính sách mới (tăng biên độ) thì kinh phí hằng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính tăng 45 tỷ đồng (tăng khoảng 12%) so với mức được trích theo quy định hiện hành, trong đó ngân sách Trung ương tăng 27 tỷ đồng; ngân sách địa phương tăng 18 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành cần thiết ban hành quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra và thực hiện một số hoạt động khác của các cơ quan thanh tra theo quy định.

Về mức trích trong cơ quan thẩm tra có nhiều ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ quy định tại Thông tư số 327 như hiện hành.

Một số ý kiến nhất trí với mức trích và việc điều chỉnh tăng biên độ nêu tại dự thảo nghị quyết, nhưng đề nghị Chính phủ “cung cấp bổ sung thông tin chi tiết và cơ sở xác định mức lương cơ bản, chỉ số trượt giá tăng cao hơn làm cơ sở điều chỉnh biên độ trích lập”.

Ý kiến khác đề nghị quy định bổ sung mức trích và giới hạn biên độ trích lớn hơn 200 tỷ đồng của cơ quan thanh tra. Cạnh đó, có ý kiến không nhất trí với quy định tại dự thảo nghị quyết vì mức trích cao hơn một số cơ quan cùng được hưởng chế độ trích lập, như: Kiểm toán Nhà nước, thuế, hải quan, công an...

Không có khoản tiền trích lại, cơ quan thanh tra không đủ kinh phí

Nêu ý kiến sau đó, đa số ý kiến tán thành ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra và thực hiện một số hoạt động khác.

“Sau khi nghị quyết được thông qua, có phải ban hành nghị định, thông tư gì nữa không thì phải tính”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nghị quyết cần phải xử lý được khoảng chuyển tiếp từ Luật Thanh tra cũ sang luật mới cho chính xác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cơ quan thanh tra được trích một phần từ khoản tiền thu hồi sau thanh tra để hỗ trợ nâng cao hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng. Ảnh: P.Thắng

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bám sát Thông tư số 327 bởi đã được áp dụng và chứng minh trong thực tiễn. Cạnh đó, phạm vi điều chỉnh cần bám sát theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022.

Giải trình thêm, bên cạnh nhắc lại lý do đề xuất tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho hay, hiện cơ quan tài chính các cấp tính dự toán chi cho cơ quan thanh tra như cơ quan hành chính và theo định mức biên chế, trong khi cơ quan thanh tra có tính chất “rất đặc thù”.

“Khoản trích lại này là khoản bù đắp, nếu không có thì cơ quan thanh tra không hoàn thành nhiệm vụ vì không đủ kinh phí”, Tổng Thanh tra nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước.

Kết luận nôi dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện tờ trình, hồ sơ, tài liệu dự thảo nghị quyết, báo cáo vào đợt hai của phiên họp.

Ông Hải lưu ý bổ sung thông tin đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là các nội dung: Bộ máy thanh tra các cấp, số lượng người, đơn vị thụ hưởng, thời gian thực hiện chế độ trích kinh phí… Cạnh đó, rà soát quy định đầy đủ thủ tục trích nộp, trình tự, thủ tục lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được lập để bảo đảm tính khả thi.

Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước sáng ngày 24/8.

Đề xuất tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách được trích

Dự thảo nghị quyết quy định rõ, Thanh tra Chính phủ được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 200 tỷ đồng/năm.

Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương; thanh tra tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước với số nộp đến 20 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước với số nộp từ trên 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 30 tỷ đồng/năm.

Thanh tra sở, thanh tra quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc Trung ương, thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước với số nộp đến 3 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 5 tỷ đồng/năm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm