Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 13/05/2025 - 16:17
(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội, nếu không có cơ chế minh bạch, quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo dễ bị lạm dụng.
Quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chiều 13/5.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro” vì bản chất của nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: P.Thắng
“Tuy nhiên, nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng”, bà Nga nói.
Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được (sai số mô hình, thất bại thử nghiệm...) và sai phạm không thể miễn trừ (gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém...).
Cũng theo bà Nga, cần thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập, đồng thời thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) đánh giá các nội dung về cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo còn “chung chung”.
Dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu kinh phí.
Điều này, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, theo bà Thu, dự luật chỉ nhấn mạnh Chính phủ sẽ quy định về tiêu chí xác định rủi ro, đánh giá quá trình tuân thủ mà không nói quy trình, quy định là gì để cá nhân, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải chấp hành.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình). Ảnh: P.Thắng
Đại biểu cũng băn khoăn, cơ quan, tổ chức nào là người xác định đúng quy trình, quy định này…
Hơn nữa, theo bà Thu, các dự án nghiên cứu tính mới, các ý tưởng đổi mới sáng tạo có thể diễn ra ngay trong quá trình sản xuất nên chưa chắc việc thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo này có hiệu quả hay không?
“Nếu không quy định rõ quy trình, quy định sẽ dẫn đến việc dễ bị hiểu sai và có thể bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước”, bà Thu nói và đề nghị, bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học và cần có quy trình thẩm định và phê duyệt rủi ro. Đơn vị có thẩm quyền cũng cần xác định rủi ro rõ ràng trong văn bản hướng dẫn thi hành luật, theo góp ý của nữ đại biểu.
Quỹ Khoa học công nghệ của doanh nghiệp đang bị “đóng băng”
Quan tâm đến quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Nhì Hà (đoàn Hà Nội) cho hay, Nghị định 95 năm 2014 quy định, doanh nghiệp Nhà nước phải trích lập quỹ này với mức tối thiểu 3%, tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích lập tối đa 10%.
Đến Nghị quyết 193 năm 2025, Quốc hội đã cho phép doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao được trích lập quỹ tối đa 20% thu nhập tính thuế để bổ sung vốn cho các dự án.
Đại biểu Trần Thị Nhì Hà (đoàn Hà Nội). Ảnh: P.Thắng
“Dự thảo luật lại quy định mức trích lập quỹ tối đa 5%”, bà Hà nói và cho rằng, điều này không phù hợp với tinh thần đổi mới của Bộ Chính trị và của Quốc hội.
Quy định như dự thảo luật, theo bà Hà, là cho doanh nghiệp thiếu động lực, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo, vốn là yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thêm nữa, bà Hà cho hay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi sử dụng quỹ đã được lập ra. Nguyên nhân do quy định về xây dựng dự toán, định mức chi và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Thông tư 67 năm 2022 của Bộ Tài chính chưa phù hợp.
Nhiều doanh nghiệp lúng túng, thậm chí lo ngại khi thực hiện chi từ quỹ vì không rõ đâu là chi phí hợp lệ. “Đây chính là rào cản lớn khiến Quỹ Khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị “đóng băng”, theo bà Hà.
Từ đó, bà Hà đề nghị cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa 15% thu nhập tính thuế.
Riêng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như Chip, AI, dữ liệu lớn..., theo bà Hà, mức trích lập quỹ tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, bà Hà đề nghị mở rộng danh mục chi từ quỹ như lương nhân sự nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia, mua vật tư linh kiện phục vụ thử nghiệm…
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo), dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 152/2025/NĐ-CP quy định về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
T. Minh
(Thanh tra) - Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, quân đội vẫn xác định "ngụ binh ư nông" và "quân thì cốt tinh, không cốt đông" để làm nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Trần Quý
Chính Bình
Minh Nguyệt
T. Minh
Chính Bình
Trần Kiên
Minh Nguyệt
Trần Kiên
Minh Nguyệt
Văn Thanh
Thanh Giang