Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 19/02/2020 - 21:27
(Thanh tra) – Các chuyên gia pháp luật vẫn có ý kiến khác nhau về việc để cơ quan Chính phủ hay các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sau khi có ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp
Sáng 19/2, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan đến trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Cho nên, dự thảo luật đang đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 do Chính phủ trình là giao cơ quan trình dự án chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ quan thẩm tra có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Phương án 2 thì cơ bản giữ như hiện hành, quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau khi được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
“Quốc hội xi nhan phải thì mang về ông rẽ trái”
Cho ý kiến, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 2. Theo ông Quyền, trước năm 2003, thẩm quyền chỉnh lý là cơ quan trình dự án luật. Nhưng thời điểm đó xảy ra tình trạng “Quốc hội xi nhan phải thì mang về ông rẽ trái”.
“Tức là Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này thì về sửa một kiểu, Quốc hội cho ý kiến một đằng thì ông sửa một nẻo”, ông Quyền nói rõ, đây là vấn đề liên quan tới lý luận lập pháp chứ không thể nói ai làm tốt hơn thì giao cho người đó được.
Theo ông Quyền, “Quốc hội phải nắm trọn quyền lập pháp của mình”. Quyền này bao gồm: Quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phân công soạn thảo, phân công thẩm tra cho ý kiến dự án luật, tiếp thu chỉnh lý dự án luật…
Ông Quyền nhấn mạnh, các dự luật trình ra Quốc hội một là làm chưa tốt, hai là có lợi ích nhóm nên Quốc hội cần phải sửa còn nếu các cơ quan của Quốc hội làm chưa tốt thì phải làm cho tốt hơn.
Cũng cho rằng cơ quan chủ trì thẩm tra phải chịu trách nhiệm chỉnh sửa, ông Thái Vĩnh Thắng, Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói, lập pháp phải giao cho Quốc hội, tránh hiện tượng có kẽ hở, lồng lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cục bộ vào trong đó.
“Tốt nhất sau khi dự thảo trình cho Quốc hội thì cơ quan chủ trì thẩm tra chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý", ông Thắng nêu.
Quốc hội không “xắn tay” vào làm luật
Không đồng tình, giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nói Quốc hội nắm quyền lập pháp không có nghĩa là Quốc hội làm tất cả mọi thứ.
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung
“Quan điểm của tôi không phải là Quốc hội làm luật. Quốc hội chỉ làm một số căn bản thôi chứ không phải cái gì cũng làm luật”, ông Dung nêu.
Theo ông Dung, Quốc hội cần phải chỉ ra được người nào làm luật tốt nhất. Quốc hội bầu và phê chuẩn Chính phủ và các thành viên Chính phủ, các cơ quan Chính phủ là người phải chịu trách nhiệm đề xuất chính sách và theo đuổi đến cùng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng cho rằng, việc chỉnh lý cần do Chính phủ thực hiện. Theo ông Liên thì quy trình hiện nay có sự xung đột trong vai trò của Quốc hội.
Ông Liên phân tích, khi Chính phủ làm chính sách, dự thảo luật thì Quốc hội gần như là người giám sát, cử người cho ý kiến phản biện, người đề xuất chính sách là cơ quan trình. Nhưng trình ra rồi thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại trở thành người làm chính sách, giải trình trước Quốc hội.
“Quốc hội làm luật đồng nghĩa với việc Quốc hội là cơ quan duy nhất thông qua luật và kiểm tra chính sách cơ quan trình có phù hợp ý chí nguyện vọng nhân dân, có khả thi không, có đảm bảo cho sự phát triển xã hội hay không chứ không phải là Quốc hội xắn tay vào làm luật. Nếu dự thảo chưa đạt thì trả lại, giống như đi thi vậy”, ông Liên nêu quan điểm, ủng hộ phương án 1.
“Lợi ích nhóm cài rất kín, không có bóc tách thì chết dân”
Ông Nguyễn Đình Quyền đề nghị, dự án luật cần quy định rõ MTTQ chủ trì thực hiện phản biện trong hoạch định chính sách, pháp luật.
Theo ông Quyền, cần xem quy trình này là “bắt buộc” để cụ thể hoá chức năng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
“Phản biện quan trọng nhất của MTTQ là phản biện chính sách, pháp luật, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Bộ Tư pháp thẩm định rồi, các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra rồi vẫn để lọt lợi ích nhóm hay có những văn bản ban hành như ở trên trời”, ông Quyền nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp lưu ý thêm, lợi ích nhóm được “cài đủ các loại, rất kín” và chỉ chuyên gia pháp luật mới phát hiện được. “Lợi ích nhóm cài kín lắm, không có sự phát hiện, bóc tách thì chết dân thôi”, ông Quyền nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Dung cho rằng, dự thảo luật này cần quy định tất cả các dự thảo trước khi trình ra Quốc hội phải có ý kiến của MTTQ.
“Phải có ý kiến của MTTQ, còn tiếp thu hay không là chuyện khác”, ông Dung nói.
Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về thẩm quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Còn quy định bảo đảm cho việc tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam thì dừng ở mức nguyên tắc như “tạo điều kiện” nhưng không rõ “tạo điều kiện” như thế nào. Trong khi đó lại quy định cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý phải “chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến".
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu đã chủ trì họp thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị của tỉnh Sơn La.
Trần Kiên
19:26 12/12/2024(Thanh tra) - Với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm vào đầu tháng 1/2025.
Hải Hà
17:54 12/12/2024N. Phó
16:05 12/12/2024Hương Giang
15:07 12/12/2024Bùi Bình
13:17 12/12/2024Lâm Ánh
Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải
T.Thanh
Văn Thanh
Kim Thành
PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý