Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 01/02/2024 - 18:26
(Thanh tra) - Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Ông lưu ý, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Sáng ngày 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 1 - tháng đầu tiên của năm 2024.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng 1, thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất định.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 từ mức 2,9% lên mức 3,1%, trong khi Liên hợp quốc dự báo chỉ tăng 2,4%.
Trong nước, theo Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng được thúc đẩy…
Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ, giá cả hàng hóa tương đối ổn định. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán, cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế trong dịp Tết.
Thu ngân sách Nhà nước tháng 1 ước đạt 13,6% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng lần lượt 37,7%, 42% và 33,3% so với cùng kỳ và lần lượt tăng 5,5%, 6,7%, 4,2% so với tháng trước; ước xuất siêu 2,92 tỷ USD.
Tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới tăng 66,9%; vốn thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6%. Điều này là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023 và tháng đầu năm 2024.
Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (HP) tháng 1 tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; khách quốc tế đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ.
Tiếp cận vốn vẫn nhiều khó khăn
Lưu ý nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nói, nhiệm vụ đặt ra cho tháng 2 và thời gian tới là rất nặng nề. Ông đề nghị phân tích kỹ lưỡng, đánh giá đúng tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế nhiều hơn nữa…
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ quán triệt, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn đầm ấm, vui tươi, nghĩa tình, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1, có gần 27,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Nhưng có gần 53,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phản ánh khó khăn, thách thức của doanh nghiệp còn lớn.
“Tiếp cận vốn còn gặp nhiều khó khăn; dư nợ tín dụng đến ngày 18/1 giảm 1,52% so với cuối năm 2023. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chậm được sửa đổi, còn vướng mắc, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
Tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra; việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng” còn nhiều khó khăn. Thu ngân sách giảm 2,8% so với cùng kỳ cùng áp lực điều hành tỉ giá, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, nợ công…
Trong khi, sản xuất công nghiệp còn chậm phục hồi do các thị trường
xuất khẩu lớn, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu và khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Cầu tiêu dùng trong nước dịp cận Tết tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 1,6% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn cận Tết các năm từ 2020 đến nay là trên 3,5%...
“Khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội…”, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ thực tiễn, bộ này cho rằng, phải đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước trong thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ... để thúc đẩy hợp tác.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đề thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.
Tăng xúc tiến, thu hút dự án FDI công nghệ cao
Nhiều kiến nghị giải pháp trọng tâm cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra để làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...
Trong đó, bộ này lưu ý cần tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân. Tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.
Giải pháp nữa là tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường cao tốc trong năm 2024.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục xử lý từng bước chắc chắn, tháo gỡ triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh