Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Không thanh tra, kiểm tra coi như không lãnh đạo”

Thứ bảy, 01/11/2014 - 15:07

(Thanh tra) – Cảnh báo này được các đại biểu chỉ ra khi thảo luận về kết quả giám sát “việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015” ngày 1/11.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu ý kiến. Ảnh: Thảo Nguyên

“Lãng phí không nhỏ”

Trong nhiều năm qua, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong GDP chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Đầu tư từ NSNN vẫn còn tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư.

Đánh giá về tình hình tái cơ cấu đầu tư công, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình, dự án thấp vẫn chưa được xử lý triệt để. Chưa thực sự chú trọng đến việc phân bổ nguồn lực một cách hợp lý giữa các vùng, ngành, lĩnh vực để tạo sự lan tỏa, làm động lực cho nền kinh tế.

Nhất là , tổng số vốn ứng trước NSNN và trái phiếu Chính phủ chưa có nguồn thu hồi còn khá lớn. Trong kế hoạch trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 có 807/873 dự án giao thông, thủy lợi, y tế đang đầu tư dở dang.

Qua khảo sát tại một số địa phương cho thấy, việc đầu tư vào các dự án chưa dựa trên việc xác định, xem xét thấu đáo tính ưu tiên của các dự án. Một số dự án được bố trí kế hoạch, nhưng đến hết thời hạn quy định vẫn không thực hiện và giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao, phải xin kéo dài thời gian thanh toán sang năm sau.

“Một số dự án đầu tư công chậm tiến độ, phát sinh chi phí, khả năng phải tăng vốn ở mức cao. Nhiều dự án, công trình được xây dựng, hoàn thành nhưng chưa khai thác một cách hiệu quả, gây lãng phí không nhỏ”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Ví dụ như việc xây dựng trụ sở làm việc; xây dựng một số cầu mới thay cầu cũ ở Quốc lộ 1 từ Trung Lương đi Mỹ Thuận, Quốc lộ 91 Long Xuyên đi Châu Đốc, cầu cũ dài từ 75m – 200m bắc qua sông, rạch nhỏ lại thay bằng cầu mới dài 500m; một số đường giao thông nội thị, thị xã (thành phố) thuộc tỉnh với quy mô chưa đến 100.000 dân nhưng xây dựng đường với 8 làn xe, 6 làn xe có dải phân cách cứng cây xanh, vườn hoa…

Một trong những nguyên nhân được Ủy ban Kinh tế đưa ra, là do thiếu các quy định cụ thể về phân cấp quản lý và gắn với trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý đầu tư, chưa đổi mới cơ chế, chính sách phân bổ và sử dụng vốn đầu tư. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, xử lý vi phạm không nghiêm, còn biểu hiện tư tưởng cục bộ, tính thành tích, hình thức.

Không để "xây rồi đập, đập rồi lại xây"

Đồng tình với kết quả giám sát trong lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, theo ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho biết thêm, vẫn còn nhiều công trình đầu tư quá hoành tráng, gây lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân. Việc đầu tư xây dựng không theo quy hoạch, kế hoạch nếu có chỉ ở tầm ngắn hạn, “xây rồi đập, đập rồi lại xây”, có công trình xây không phát huy được tác dụng, có công trình bỏ hoang. Nhiều dự án vay ODA do Chính phủ bảo lãnh, do tính toán không kỹ, làm ăn lỗ không có khả năng thanh toán, đến hạn Chính phủ phải bỏ tiền ra thanh toán, từ đó làm cho nợ công, nợ quốc gia gia tăng gần tới ngưỡng không an toàn.

ĐB Tiếp đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và một số luật liên quan, Quốc hội cần bổ sung, làm rõ những vấn đề có liên quan để góp phần cho việc tái đầu tư công trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn.

"Tại sao tái cơ cấu diễn ra 3 năm song chưa đem lại hiệu quả như mong muốn? Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế vậy mà đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm; y tế, giáo dục, khoa học công nghệ cũng giảm. Đó là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ?”, ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đặt vấn đề và đề nghị, Chính phủ cần phải chuyển biến từ tư duy đến quan điểm, khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng, phân cấp, phân quyền.

Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), tái cơ cấu nền kinh tế là quyết tâm của Đảng, Chính phủ, cử tri. Nhưng những chủ quan trong chỉ đạo điều hành trong hầu hết các báo cáo của Chính phủ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần mà không được khắc phục sẽ khiến tái cơ cấu đạt hiệu quả thấp, người dân mất lòng tin. 

“Thời gian qua nhiều luật liên quan trực tiếp đến quá trình tài cơ cấu chưa đc ban hành hoặc đã ban hành như chưa có hiệu lực, hoặc có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Chúng ta muốn có sự đổi mới đột phá nhưng luật pháp chưa được bổ sung thì mong muốn không thể thực hiện được”, ĐB Học lưu ý.

Nhấn mạnh đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý không nghiêm sẽ gây thất thoát, láng phí, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói: "lãnh đạo mà không thanh tra, kiểm tra coi như là không lãnh đạo. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, xử lý không nghiêm, nên không những gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài mà còn gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản”. Đơn cử như nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 44.000 tỷ đồng xảy ra ở nhiều bộ ngành và 16 tỉnh nhưng chưa được không xử lý".

“Thực tế, chúng ta còn thiếu các quy định cụ thể về phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý đầu tư, phân bổ đầu tư, đặc biệt là công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra và xử lý sai phạm”, ĐB Thân Văn Khoa (Bắc Giang), ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng cho rằng, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hơn nữa trong đầu tư công, để từ đó vừa giảm thiểu sự phiền hà cho nhà đầu tư, vừa ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, thất thoát.

Do tác động của suy thoái kinh tế, tổng cầu giảm, đầu tư khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm và thiếu ổn định. Riêng năm 2013 cho thấy, tỷ trọng đóng góp của hai khu vực này giảm tương xứng là 0,9% và 2,5% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với năm 2011.

Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2013 có xu hướng tăng cả về tỷ trọng lẫn số tuyệt đối (năm 2013 chiếm khoảng 37,6%, tăng 0,6% so với năm 2011, thấp hơn 0,2% so với năm 2012).

Việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đã thu được kết quả nhiều hơn, tiêu biểu huy động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút gần 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 48 dự án, có 15 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 1 và 3 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 14. Có 16 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT và BT trong các lĩnh vực nhiệt điện, nước, hạ tầng đô thị.

Trong giai đoạn 2011-2013, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN đã giảm mạnh so với các năm trước; bình quân giai đoạn 2011-2013 là 19,57%/năm (nếu tính cả dự kiến năm 2014 là 18,73%) trong khi giai đoạn 2006-2010 là 28%. Việc rà soát sử dụng và bố trí vốn cho từng dự án được kiểm soát chặt chẽ. Số dự án bố trí không đúng quy định đã giảm đáng kể qua các năm: 1.288 dự án (năm 2012), 220 dự án (năm 2013), 42 dự án (năm 2014).

Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2014, Chính phủ đã bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ theo xu hướng tăng (năm 2014 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, gấp 2,22 lần so với năm 2011 và năm 2012; gấp 1,67 lần so với năm 2013), tập trung vào các mục tiêu trên cơ sở triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm