Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Không “né” vấn đề khó, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật

Hương Giang

Thứ tư, 07/08/2024 - 13:53

(Thanh tra) - Khi thẩm tra các dự án luật, các Ủy ban của Quốc hội phải thể hiện rõ chính kiến, không “né” vấn đề khó; quán triệt sâu sắc quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng

Chỉ đạo này được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra khi phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính Ngân sách, ngày 7/8.

Kiểm soát chặt nội dung dễ xảy ra trục lợi chính sách

Theo ông Trần Thanh Mẫn, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung khó, phức tạp, nhiều việc đột xuất, phát sinh trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Báo cáo cho thấy, thực hiện chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã hoàn thành 19/19 nhiệm vụ; Ủy ban Tài chính Ngân sách hoàn thành 11/11 nhiệm vụ; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường hoàn thành 10/11 nhiệm vụ.

Trong thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, lĩnh vực Ủy ban Kinh tế hoàn thành 18/22 nhiệm vụ; lĩnh vực của Ủy ban Tài chính Ngân sách hoàn thành 12/18 nhiệm vụ; lĩnh vực của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường hoàn thành 20/20 nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý các Ủy ban quán triệt kỹ lưỡng, sâu sắc Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Trước mắt, các Ủy ban khẩn trương giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách để trình thông qua tại kỳ họp 8 và thẩm tra các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8 tới đây.

“Quá trình thẩm tra, phải thể hiện chính kiến, quan điểm rõ ràng, cụ thể, khách quan, không né tránh, nhất là các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Toàn cảnh buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ảnh: P.Thắng

Ông cho hay, tới đây sẽ tiếp tục triển khai sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng, phức tạp, như các dự án luật về thuế, điện lực, quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, phát triển đô thị…

Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 6/8, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển, hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo các Ủy ban chủ động xem xét, rà soát các lĩnh vực phụ trách xem còn có vấn đề gì bất cập, khó khăn để khi Chính phủ trình sang Quốc hội thì có đủ cơ sở để xem xét, quyết định.

Giám sát phải “đúng, trúng”

Vẫn theo ông Trần Thanh Mẫn, các Ủy ban của Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội.

“Đây là vấn đề phải bàn, phải tính để giám sát sao cho đúng, trúng, làm cho đối tượng giám sát tâm phục, khẩu phục”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát hơn nữa; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Ông nêu rõ, “các Ủy ban cần bám sát các kiến nghị để nhắc nhở, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có liên quan về thực hiện kiến nghị sau giám sát".

Đề cập một số nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản để triển khai hoạt động của đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Chuyên đề này, theo ông Trần Thanh Mẫn, phạm vi giám sát khá rộng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm.

Với Ủy ban Kinh tế thì khẩn trương tham mưu hoàn thiện Dự thảo Báo cáo của đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015 đến hết năm 2023” cùng các tài liệu khác liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36, trong tháng 8 này.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp tục phối hợp với Chính phủ, các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách Nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Với các kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và hco rằng “rất trúng và rất đúng”.

Ông đề nghị các Ủy ban có văn bản gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để có phương án giải quyết rõ ràng từng việc. “Ai giải quyết, giải quyết lúc nào, khi nào xong, không nói chung chung, việc gì giải quyết được ngay thì làm ngay”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm