Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không được bắt dân đóng góp xây dựng nông thôn mới quá mức

Thứ tư, 09/12/2015 - 09:08

(Thanh tra) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, muốn doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở nông thôn không dễ, phải cụ thể là cơ chế gì, chính sách gì, cùng với đó cần nghiêm túc, rút kinh nghiệm và khắc phục việc dùng biện pháp hành chính để bắt buộc dân đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM) quá mức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và đưa ra một ví dụ hết sức cụ thể, sinh động. Ảnh: Thảo Nguyên

Ngày 8/12, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. 

Từ ỷ lại Nhà nước đã chuyển sang chủ động xây dựng NTM

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. 

Hướng về người nông dân bằng hành động với tất cả tình cảm của mình

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tuy kết quả mới bước đầu đạt được song đã khẳng định được sự đúng đắn của một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là phong trào được lòng dân, được nhân dân ủng hộ, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Để Chương trình tiếp tục được triển khai hiệu quả, sâu rộng, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hệ thống chính trị không chỉ phải có quyết tâm cao mà “phải hành động bằng tất cả tình cảm, con tim của mình” hướng về người nông dân, khu vực nông thôn-một khu vực có tới 70% dân cư sinh sống; đồng thời phải luôn lấy người nông dân làm chủ thể; từ quy hoạch, đến đầu tư sản xuất, phát triển hạ tầng, chăm lo phát triển cho y tế, văn hóa, giáo dục… cũng đều phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ lòng dân.


Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh, còn 8,2%. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế như chênh lệnh tiêu chí giữa các xã ở các vùng miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo so với bình quân cả nước còn cao, số hộ nghèo ở các huyện nghèo chiếm tỷ lớn; nhận thức ở một số nơi về mục đích, ý nghĩa của Chương trình chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền còn có mặt còn hạn chế;…

Theo Bộ trưởng Phát, nguyên nhân là do cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền thiếu sâu sát, quyết liệt, một bộ phận lại quá nôn nóng, chạy theo thành tích; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả như mong đợi.

Phải cụ thể cơ chế để doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở nông thôn

Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước sẽ phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM. Mỗi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 5 tiêu chí. 

Để đạt được mục tiêu, cũng như khắc phục những bất cập, Thủ tướng yêu cầu tập trung ngay vào một nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt, quyết định. Đó là cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và đưa ra một ví dụ hết sức cụ thể, sinh động.

“Chúng ta thường nói, muốn xây dựng NTM thì phải đưa doanh nghiệp về sản xuất ở địa bàn nông thôn. Nói thì dễ như thế, nhưng mà muốn doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở nông thôn thì không dễ, phải cụ thể là cơ chế gì, chính sách gì”, Thủ tướng nhấn mạnh và cũng yêu cầu “dùng biện pháp hành chính để bắt buộc dân đóng góp quá mức cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm và khắc phục”.

Thực tế, nơi nào được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, có sát sao trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… thì nơi đó Chương trình được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. 

“Chính vì vậy, việc đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Phải tập trung chỉ đạo một cách thiết thực, cụ thể, hiệu quả và đồng bộ để đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đưa ra hàng hoạt yêu cầu, nhiệm vụ nhằm khắc phục những hạn chế của Chương trình trong giai đoạn mới như: Tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp, trong đó có tiêu chí về huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; tập trung khắc phục sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng NTM giữa các vùng, miền...

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể cấp huyện dẫn đầu trong phong trào dựng NTM. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 51 xã, thị trấn tiêu biểu trong Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM. 

Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM là: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ngoài ra còn 08 huyện, thị xã đã có Tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm