Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Không để dân tiền mất tật mang khi dùng thuốc từ quảng cáo”

Hương Giang

Thứ ba, 18/06/2024 - 21:20

(Thanh tra) - Nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo thuốc, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không để nội dung quảng cáo sai lệch về thuốc, không để người dân tiền mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng

Sau khi nghe tờ trình, thẩm tra ở hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, chiều 18/6.

Cần kiểm soát chặt chẽ

Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là dự thảo luật lần này bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.

Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.

Dự thảo luật cũng nêu rõ “không được kinh doanh dược trên mạng xã hội” và các hình thức kinh doanh điện tử khác mà luật không quy định.

Lưu ý dược là mặt hàng đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc bán thuốc trên sàn giao dịch thương mại điện tử cần quy định cụ thể để kiểm soát và mở rộng từng bước một cách thận trọng.

Ông cũng đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ quảng cáo thuốc. “Không để nội dung quảng cáo sai lệch thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân tiền, mất tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ủng hộ chủ trương cải cách thủ tục hành chính, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người phải tính toán rất kỹ.

Bà Nga phản ánh thực tế việc quảng cáo thuốc hiện diễn ra rất tràn lan, thậm chí bát nháo. “Nếu bỏ xác nhận của cơ quan Nhà nước thì rất nguy hại, vì thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người”, bà Nga nói.

Bà Nga cũng chỉ ra quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng đang hình thành một thói quen sử dụng thuốc rất nguy hiểm cho người dân, chỉ cần nghe người này, người kia mách là sử dụng.

Do đó, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị chưa nên bỏ xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền về quảng cáo thuốc, bán thuốc.

Cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý quảng cáo thuốc

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cũng nêu lo ngại khi thời gian qua có thực trạng một số mặt hàng như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng cáo, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Tik Tok. Trong đó, có một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng.

Bà đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Chia sẻ từ câu chuyện thực tế của bản thân, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết ngày nào ông cũng nhận những cuộc điện thoại gọi đến hỏi “thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh sử dụng không, mà người ta dùng hình ảnh của anh để bán rất nhiều trên mạng và người dân dùng rất nhiều, gây tác dụng phụ, tốn kém tài sản”.

Theo bác sĩ Lân Hiếu, quản lý quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế.

Ông đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết trên các website, app của Bộ Y tế để phòng tránh, không để cho người dân dùng các thuốc này.

“Chúng ta cần đưa vào để tránh tình trạng bán thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội", ông Hiếu góp ý.

Về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng mua online và nhà thuốc gửi về tận nhà, Ủy ban Xã hội không ủng hộ quy định này và cho rằng chỉ nên cho phép mua tại nhà với thực phẩm chức năng.

Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, nếu cấm một cách cơ học nhưng không tìm ra giải pháp thuận lợi cho người dân, sẽ đẩy người dân vào câu chuyện vi phạm pháp luật.

Ông đề xuất cho phép thực hiện nhưng phải quy định rõ và nên bắt đầu từ nhà thuốc của các bệnh viện. Bởi bệnh nhân xuất viện về nhà, 3 tháng sau muốn mua thuốc thì vẫn có hồ sơ lưu tại đó.

“Chúng ta quy định nhà thuốc bệnh viện có bệnh án điện tử, có khám chữa bệnh từ xa thì có thể chuyển thuốc đến tận nhà người dân”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm