Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không có việc gì khó, chỉ sợ không muốn làm thôi

Thứ ba, 05/11/2013 - 06:57

(Thanh tra)- Đại biểu Bùi Thị An đã nhấn mạnh như thế khi đề cập đến việc cần rà soát sắp xếp lại bộ máy, biên chế, giảm chi ngân sách vì đó cũng là biện pháp chống lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật THTK, CLP (sửa đổi). Ảnh: na.gov.vn

Cần bổ sung, quy định rõ hơn cơ chế, cách thức giám sát của từng đối tượng, bảo đảm quyền giám sát của công dân, xử lý thông tin phát hiện lãng phí... là những vấn đề các đại biểu đã nêu trong buổi thảo luận về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) sáng ngày 4/11.

Lãng phí chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài sản công

Vấn đề về phạm vi điều chỉnh được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo Dự thảo, nội dung tập trung quy định về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, tuy có quy định nhưng chỉ mang tính nguyên tắc để điều chỉnh có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng và giao cho Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương quy định chi tiết nhằm tạo ý thức, chuẩn mực, nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm.

Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành với quy định về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo. Loại ý kiến khác đề nghị chỉ quy định THTK, CLP đối với khu vực Nhà nước, không quy định đối với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài Nhà nước và tiêu dùng của nhân dân vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể mang tính toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi... để tránh việc huy động gây lãng phí nguồn lực xã hội. Ngoài ra, nếu chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo và không có chế tài xử lý thì cân nhắc có thể không nên quy định trong Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ phạm vi điều chỉnh như Dự thảo. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật THTK, CLP có liên quan đến hầu hết quy định thuộc các luật khác, nhưng vì những luật này chưa quy định đầy đủ các hành vi, chế tài xử lý đối với một số điểm chính, việc chính trong một số lĩnh vực quan trọng đã và đang xảy ra lãng phí lớn. Quy định về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật, một mặt, bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp; mặt khác, vẫn bảo đảm thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, nhằm khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân.

Liên quan đến cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong THTK, CLP, một số ý kiến cho rằng, các quy định còn chung chung. Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị quy định rõ phạm vi, nội dung, hình thức, biện pháp, thời gian công khai ở mỗi đơn vị, đối với mỗi loại công việc, đối tượng và phải quy định rõ hơn quyền của người dân trong việc giám sát THTK, CLP; có thể tiếp cận thông tin, phản ánh.

Nhiều ý kiến cũng đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung cho rõ hơn các quy định cụ thể về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về THTK, CLP và quy định bắt buộc mọi cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải gắn với nội dung THTK, CLP, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, công khai kết quả thanh tra, kết quả kiểm toán phù hợp và thống nhất với các luật chuyên ngành.

Lãng phí gây hại không thua kém tham nhũng

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, Dự luật đã quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về THTK, CLP; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về THTK, CLP theo thẩm quyền. Đặc biệt, đã bổ sung vào Dự thảo trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật THTK, CLP để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý.

Cho rằng Dự thảo quy định vẫn chung chung, mang tính khẩu hiệu, đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đề nghị quy định người để xảy ra lãng phí thì phải bồi thường, bị cách chức. Người có thẩm quyền xử lý lãng phí mà không xử lý thì cũng phải chịu trách nhiệm cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề: Việc ban hành chính sách không phù hợp, quyết định không chính xác có thể gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng, vậy sẽ xử lý trách nhiệm thế nào? Đại biểu Thúy dẫn chứng việc hàng loạt quy hoạch, cấp phép đầu tư như mía đường, xi măng lò đứng, sân bay, cảng biển… đầu tư lãng phí, thua lỗ, hậu quả rất rõ nhưng chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm. Ở nước ta, quyết định thì do cá nhân nhưng khi ban hành thì hình thức là tập thể, cho nên khi xảy ra không ai chịu trách nhiệm?

Đồng tình với quan điểm trên, các đại biểu  Lù Thị Lừu (Lào Cai), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, ngoài việc phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả kinh tế thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu khắc phục được thì giảm trách nhiệm pháp lý chứ không miễn như quy định khoản 4, Điều 78 của Dự luật.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung thêm về quy định trách nhiệm về sự phối hợp của các bộ, ngành để chống lãng phí. Đồng thời, phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc ra quyết định đầu tư gây lãng phí, đầu tư thiếu căn cứ khoa học, không tuân thủ quy hoạch. Vừa qua thể hiện rất rõ, đầu tư dàn trải, nhiều công trình dở dang phơi mưa phơi nắng, nhiều dự án bất động sản rất lãng phí…

Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) thì nhấn mạnh việc cần rà soát sắp xếp lại bộ máy, biên chế, giảm chi ngân sách và đó cũng là biện pháp chống lãng phí. Lãng phí đi cùng với tham nhũng, nếu giảm được lãng phí cũng sẽ giảm được tham nhũng. Đại biểu An nêu tình trạng 20 - 30% biên chế không làm việc là một thực trạng đáng buồn và lãng phí. Do đó, cần tập trung sắp xếp tiết kiệm trong quản lý và điều hành trong bộ máy hành chính. “Không có việc gì khó chỉ sợ không muốn làm thôi” - bà An nhấn mạnh.

Dự kiến, Dự luật sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh;  Dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm