Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 06/09/2017 - 11:09
(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn cho biết, qua các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý, Chính phủ, các ngành, các cấp đã nhận diện được những sơ hở, bất cập… từ đó đã kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục nên năm 2017 cũng như thời gian tới sẽ khó có thể xảy ra các vụ việc nghiêm trọng tương tự.
Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn. Ảnh: TN
Sáng ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp tiếp tục chương trình làm việc phiên họp toàn thể lần thứ bảy cho ý kiến báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
So sánh tình hình tham nhũng tăng hay giảm rất khó
Theo báo cáo của Chính phủ có nêu: “Kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng….”; “tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm…”.
Nhận định này khiến nhiều đại biểu, thành viên Ủy ban Tư pháp băn khoăn. “Đề nghị Chính phủ khẳng định rõ tham nhũng có giảm hay không?. Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Giải trình điều này, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn cho hay, nhận định trên không nhằm mục đích khẳng định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm hơn năm 2016 hay dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 giảm hơn năm 2017.
“Việc so sánh tình hình tham nhũng giữa các năm tăng hay giảm là nội dung phức tạp và rất khó thực hiện do độ ẩn của hành vi tham nhũng và thiếu những công cụ đo lường tin cậy, có tính chất thuyết phục cao. Nhận định, dự báo nêu trên được diễn đạt chỉ nhằm mục đích thể hiện xu hướng của tình hình tham nhũng trước những nỗ lực và các tác động tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được trong kỳ báo cáo”, ông Đặng Công Huẩn cho hay.
Theo Phó Tổng Thanh tra, thực tế từ cuối năm 2016 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân.
Cùng với đó, có tác dụng răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng.
Đã nhận diện được những “sơ hở”
Phó Tổng Thanh tra cho rằng, kết quả tích cực trên các mặt công tác phòng, chống tham nhũng chính là những dấu hiệu, chỉ báo về xu hướng giảm của tình hình tham nhũng trong thời gian tới.
“Qua các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý, Chính phủ, các ngành, các cấp đã nhận diện được những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách và nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát… Từ đó đã kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục nên năm 2017 cũng như thời gian tới sẽ khó có thể xảy ra các vụ việc nghiêm trọng tương tự”, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng đã có đánh giá tích cực hơn về thực trạng tham nhũng của Việt Nam khi ngày 25/1/2017 công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu năm 2016, trong đó Việt Nam tăng 2 điểm sau 4 năm liên tiếp bị giữ nguyên ở mức 31/100 điểm.
Theo Phó Tổng Thanh tra, đây cũng là thông tin tham khảo quan trọng để Chính phủ dự báo rằng công tác phòng, chống tham nhũng có thêm dấu hiệu giảm.
Chưa thực sự làm toát lên được những thay đổi nổi bật
Cũng tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn thừa nhận, việc chuẩn bị báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 được tiến hành cơ bản như việc chuẩn bị báo cáo năm 2016 nên chưa thực sự làm toát lên được những thay đổi nổi bật.
Báo cáo của Chính phủ tuy đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng một số nội dung báo cáo còn chung chung, thiếu địa chỉ cụ thể, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.
“Một số nội dung nhận xét, đánh giá còn chưa thực sự sát với tình hình, nhất là việc phân tích một số nguyên nhân của tình hình tham nhũng và những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa rõ, thiếu những nguyên nhân về mặt chủ quan.
Phương hướng, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới tuy đã bao quát, đầy đủ nhưng nội dung còn chung chung, chưa rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới”, Phó Tổng Thanh tra tiếp thu các ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng của các thành viên Ủy ban Tư pháp.
Ông cho hay, Thanh tra Chính phủ sẽ chú trọng khắc phục tối đa những hạn chế nêu trên khi tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 trình Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay, nếu nhìn lại các vụ án về tham nhũng đang điều tra, xét xử thì đa phần đã xảy ra cách đây hàng chục năm như vụ Hà Văn Thắm từ 2009, Trịnh Xuân Thanh cũng thời điểm 2009, Vinashin, Vinalines, Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó.
“Tức là các vụ án lớn hiện nay đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Ở các vụ này đều có hai vấn đề cần phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau”, ông Vương cho hay.
Theo Thứ trưởng Vương, qua các vụ việc này nổi lên một số vấn đề như việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả, đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém, lợi ích nhóm, cầm tiền chia chỗ này, chỗ kia; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan...
“Đơn cử như sai phạm PVC - vụ án đang điều tra thì việc thành lập doanh nghiệp, chỉ định thầu không đúng quy định, nhất là sai phạm trong tổng thầu. Hay lĩnh vực ngân hàng cũng cho vay rất dễ dàng, cứ rót vốn Nhà nước vào rồi cho vay. Hiện đang xử vụ Oceanbank cho thấy sơ hở rất lớn trong quản lý”, ông Vương nói.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC