Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hôm nay, Quốc hội làm công tác nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội

Hương Giang

Thứ hai, 20/05/2024 - 05:32

(Thanh tra) - Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng ngày 20/5. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, dự kiến vào cuối giờ sáng, Quốc hội bắt đầu làm công tác nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 6. Ảnh: P.Thắng

Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt với tổng thời gian làm việc 26,5 ngày. Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6. Đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và nghị quyết; cho ý kiến lần đầu 11 dự án luật.

Bên cạnh công tác lập pháp, các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác cũng sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền. Cụ thể là bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước.

Nghe tâm tư, giải quyết kiến nghị của cử tri

Theo dự kiến chương trình kỳ họp 7, trong ngày làm việc đầu tiên, sau phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp.

Tại phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo Chính phủ báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ.

Quốc hội cũng nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp 7.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình sẽ trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 6.

Đáng chú ý, cuối giờ sáng ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội bắt đầu làm công tác nhân sự, bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó bầu Chủ tịch nước. Công tác nhân sự sẽ hoàn thành vào sáng ngày 22/5.

Trước đó, Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.

Trung ương giới thiệu ông Trần Thanh Mẫn để bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội.

Tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ

Chủ tịch Quốc hội là chức danh do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn về tờ trình.

Sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu thảo luận tại đoàn, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội. Tiếp đó, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Nhân sự Chủ tịch Quốc hội tạm khuyết sau khi ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ.

Hôm 26/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ được Quốc hội thông qua chiều 2/5.

Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Chính trị.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa (X - dự khuyết, XI, XII, XIII); Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII và là đại biểu Quốc hội 3 khóa (XIII, XIV, XV).

Ông Trần Thanh Mẫn có nhiều năm hoạt động công tác Đoàn tại Hậu Giang, Cần Thơ.

Từ tháng 7/1994, ông làm Chánh Văn phòng, sau đó là Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Hơn 4 năm làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ, từ tháng 10/2015, ông Trần Thanh Mẫn giữ cương vị Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.

Tháng 4/2021, ông Trần Thanh Mẫn được Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. 3 tháng sau đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, ông tái cử, giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm