Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 ​

Thứ ba, 24/12/2019 - 22:04

(Thanh tra)- Sáng 24/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự và chủ trì Hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và chủ trì Hội nghị. Ảnh: NĐ

Công tác tư pháp góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác.

Công tác chỉ đạo điều hành của toàn ngành được thực hiện quyết liệt, thống nhất, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm.

Việc tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư (Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chỉ thị số 32-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW, Chỉ thị số 39-CT/TW), sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013 được thực hiện khẩn trương, đồng bộ.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tư pháp được đẩy mạnh. Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của ngành Tư pháp tiếp tục được cải thiện. Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu.

Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đặc biệt là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm…

Những kết quả này tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.

Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành Tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và những đóng góp âm thầm của Bộ, ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận xét công tác tư pháp vẫn còn những vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ và người dân.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Cụ thể, cần khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật; đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương, làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bộ Tư pháp cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này; tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu toàn ngành phải chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật; tạo cơ chế làm việc hiệu quả cho cán bộ tư pháp.

Năm 2020, ngành Tư pháp tập trung 4 phương hướng, 9 nhiệm vụ trọng tâm

Bám sát các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp;

Tập trung rà soát, xác định những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của đất nước để sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi kịp thời;

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế;

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan tư pháp các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới;

Nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp;

Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước;

Tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường Nhà nước và bổ trợ tư pháp;

Triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư đối với kết quả tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, nhân dân;

Tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; chú trọng phòng ngừa các tranh chấp quốc tế;

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của bộ và các đơn vị thuộc bộ, nhất là việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử;

Hoàn thành việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp phiên bản 2.0. Xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành.

Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ các cơ quan tư pháp các cấp trong tham mưu giải quyết các vấn đề pháp chế và tư pháp;

Rà soát, đánh giá lại công tác đào tạo luật các cấp và đào tạo các chức danh tư pháp tại các cơ sở đào tạo của ngành Tư pháp; đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” và Đề án "Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm