Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai 9 luật, 10 nghị quyết

Hương Giang

Thứ năm, 07/03/2024 - 08:00

(Thanh tra) - Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai 9 luật, 10 nghị quyết của kỳ họp 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra sáng ngày 7/3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trao đổi bên hành lang Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh: P.Thắng

Tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội là một điểm mới trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Việc này, góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả theo nghị quyết của Đảng.

Diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, hội nghị toàn quốc lần thứ 2 tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao.

Đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Hội nghị cũng hướng tới tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.

Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trong 9 luật được quán triệt tại hội nghị có Luật Đất đai. Đây là luật có ý nghĩa và tầm quan trọng quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh: P.Thắng

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Các quy định của luật đã tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước.

Theo ông Bùi Văn Cường, Luật Đất đai được ban hành để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao...

Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương, 260 điều, với rất nhiều điểm mới nổi bật. Để đưa luật vào cuộc sống, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ đã ban hành kế hoạch, phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng. Song song là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai.

Luật Đất đai được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

9 luật gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Luật Nhà ở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu dân sự; Luật Tài nguyên nước; Luật Viễn thông; Luật Đất đai; Luật Các tổ chức tín dụng.

10 nghị quyết gồm:

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024;

Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024;

Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024;

Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ;

Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu;

Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”;

Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn;

Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV;

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm