Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội không được để rơi vào bị động do COVID-19

Thứ hai, 20/04/2020 - 19:50

(Thanh tra)- Cả nước, đặc biệt là Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động do Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quang Hiếu

Sáng 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm của 9 tháng cuối năm. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số bộ, ngành và TP Hà Nội.

Kiến nghị nới lỏng giãn cách xã hội

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đối với việc phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội là một địa bàn trọng điểm có rủi ro cao, xâm nhập từ bên ngoài, lây nhiễm từ bên trong với các ổ dịch phức tạp như Trúc Bạch, Bạch Mai, Mê Linh.

Tuy nhiên, Thành uỷ Hà Nội và cả hệ thống chính trị đều quán triệt chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng là mệnh lệnh và phải thực hiện nghiêm. Do đó, đến nay Hà Nội đã có kết quả bước đầu và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan. “Bảo vệ được Hà Nội cũng là góp phần thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước” - ông Vương Đình Huệ nói.

Đồng thời cho biết, sắp tới Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cân nhắc trên bộ tiêu chí của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch để đánh giá, xếp loại mức độ rủi ro Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác để có thể nới lỏng một phần nào đó giãn cách xã hội, đảm bảo vừa phòng, chống dịch nhưng cũng vừa có điều kiện khôi phục sản xuất ở mức độ nhất định. “Hà Nội xin hứa với Thủ tướng sẽ quyết tâm làm tốt việc này”, Bí thư Hà Nội bày tỏ.

Biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, tuy vậy, Thủ tướng lưu ý, Hà Nội cần tiếp tục đề cao cảnh giác, không thể chủ quan.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội cần thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong mục tiêu kép là tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Bên cạnh quyết tâm phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội cũng cam kết đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo Bí thư Thành ủy, tinh thần chỉ đạo của Hà Nội là “góp gió thành bão”. Nghĩa là thúc đẩy triển khai, tăng tiến độ của tất cả các công trình từ nhà của tư nhân, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Đặc biệt là các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp từ thôn, tổ dân phố đến TP.

Cùng với tháo gỡ chung của Chính phủ, bằng sự quyết liệt của mình, Bí thư Thành ủy cho biết, Hà Nội tin tưởng sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. “Sắp tới, TP sẽ làm việc tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và vừa rồi đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về triển khai công trình trọng điểm. Dự kiến tháng 9/2020, TP sẽ khánh thành đường trên cao đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long. Hiện, TP đang kiến nghị với Bộ GTVT cho làm nốt 2 cầu cạn tiếp nối” - Bí thư Hà Nội nói.

Về đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tiến độ thi công một số công trình trên địa bàn TP Hà Nội còn chậm, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, mà theo báo cáo của Hà Nội, còn 50.000 tỷ đồng chưa giải ngân được.

Đối với công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.

Dẫn nhận định của một số tổ chức cho rằng Việt Nam là một trong những nước có khả năng tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh kinh tế quốc tế suy giảm do dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội gặp nhiều thách thức nhưng có nhiều thời cơ, cần đón bắt thời cơ mới để đoàn kết xốc tới phát triển Thủ đô.

Trong quá trình ấy, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cùng với Hà Nội, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển. “Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng của các hộ gia đình. Cả nước, đặc biệt là Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động do dịch COVID-19.

Giải quyết dứt điểm tồn tại vụ Đồng Tâm, nhà 8B Lê Trực

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội giải quyết những tồn tại mà lãnh đạo Thủ đô đã xác định, nhất là vụ Đồng Tâm và dự án nhà 8B Lê Trực.

Theo người đứng đầu Chính phủ, vụ việc ở Đồng Tâm rất cần phải quan tâm giải quyết. TP cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.

Về dự án 8B Lê Trực, Thủ tướng yêu cầu, bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong. 

Giảm giá nước, giải quyết vấn đề môi trường ở sông Đáy, sông Nhuệ

Lưu ý việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành Viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, ngành Điện là 12.000 tỷ đồng.

Vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân rất quan trọng. Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội giải quyết vấn đề môi trường sông Đáy, sông Nhuệ. 

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm