Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Góp phần quan trọng giảm thiểu về khiếu nại đất đai

Thứ hai, 17/06/2013 - 23:54

(Thanh tra)- Ngày 17/6, Quốc hội đã dành cả ngày để nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Triệu Thị Nái phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng thêm 4 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân). Những nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật bao gồm các vấn đề: Về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ; giá đất, tiền SDĐ, tiền thuê đất, tiền bồi thường; quyền và nghĩa vụ của người SDĐ.

Cần điều chỉnh căn bản về quy hoạch, kế hoạch SDĐ

Về hệ thống quy hoạch, kế hoạch SDĐ, nhiều ý kiến tán thành với Dự thảo Luật quy định 3 cấp quy hoạch, kế hoạch SDĐ và đưa nội dung quy hoạch cấp xã vào quy hoạch SDĐ cấp huyện. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ quy hoạch, kế hoạch SDĐ 4 cấp như Luật Đất đai hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) đề nghị hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương pháp lồng ghép quy hoạch SDĐ cấp xã trong quy hoạch SDĐ cấp huyện, bảo đảm chi tiết đến từng thửa đất.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng), vấn đề thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ là vấn đề nóng nhất hiện nay, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Có dự án (D.A) sau khi công bố quy hoạch thì việc triển khai cầm chừng; cũng có D.A công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý. Đó chính là những vấn đề nhức nhối trong công tác quy hoạch hiện nay, cho thấy công tác này còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, Dự thảo chưa tập trung điều chỉnh một cách căn bản. Nêu rõ quy định này chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính khả thi của điều luật, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo xem xét xử lý thì mới bảo đảm tính khả thi của luật.

Thu hồi đất cần bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - nhân dân

Liên quan vấn đề thu hồi đất, bồi thường, bố trí tái định cư, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho rằng, điều cơ bản phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi của 3 chủ thể: Người SDĐ, nhà đầu tư và chính quyền nơi thực hiện D.A về thu hồi đất quy định tại Điều 67. Đại biểu Nghĩa đồng ý với tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giao thẩm quyền này cho Chủ tịch UBND mà giao cho UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần lưu ý trường hợp thu hồi đất liên quan đến nhiều hộ sinh sống, địa bàn có điểm đặc thù cần phải thông qua HĐND.

Theo đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), quy định về việc Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thực hiện các D.A phát triển kinh tế -xã hội là cần thiết trong tiến trình phát triển của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có các quy định mang tính khái quát để xác định rõ như thế nào là thu hồi đất vì mục đích, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, chưa có các tiêu chí tổng thể để phân biệt giữa các D.A phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất với các D.A đầu tư kinh doanh khác. Đại biểu Hương đề nghị Dự thảo quy định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là thu hồi đất để sử dụng vào mục đích chung phi lợi nhuận. Đồng thời bổ sung các tiêu chí có tính khái quát chung để xác định như thế nào là D.A phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất phân biệt rõ với các D.A đầu tư kinh doanh có nhu cầu SDĐ khác.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị quy định rõ thu hồi đất theo hướng sử dụng mục đích chung phi lợi nhuận; thu hồi vào mục đích sử dụng kinh tế  thương mại. Trong quá trình thu hồi đất cũng cần quy định rõ thêm về thời điểm thu hồi; thông báo thời điểm trước khi thu hồi đất của cấp có thẩm quyền nhằm khắc phục được những tiêu cực trong thời gian qua.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất nông nghiệp, đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) nhấn mạnh: Thời gian qua, có đến 70% khiếu nại liên quan đến đất đai. Do đó, nếu sửa đổi Luật Đất đai cần tính toán để bảo đảm đời sống cho người dân. Vì khi thu hồi quyền SDĐ nông nghiệp thì người dân không còn đất sản xuất, trong khi đất đai là tư liệu sản xuất chính với người nông dân, người dân thường không được thông tin đầy đù, nên có nơi phản ứng gay gắt với chính quyền địa phương. Mặc dù lần này Dự thảo đã có nhiều quy định mới, tuy nhiên cần quy định ràng buộc pháp lý mạnh hơn nữa thì mới có tính khả thi.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định xử lý các trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không hủy bỏ hoặc chậm hủy bỏ công trình, D.A không thực hiện theo quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị quy định bổ sung về trách nhiệm của Nhà nước khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình bị ảnh hưởng để hỗ trợ cho người dân.

Một số ý kiến đề nghị về những điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội trong kỳ họp này vẫn cần có thêm thời gian xem xét để phản ánh thật đầy đủ những nguyện vọng xác đáng của người dân.

Về  thời điểm thông qua luật, có 2 luồng ý kiến: Ý kiến đề nghị thời gian có hiệu lực của luật từ ngày 1/10/2013 để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quản lý, SDĐ nông nghiệp hết thời hạn sử dụng vào ngày 15/10/2013. Một số ý kiến lại đề nghị thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đồng thời với thông qua Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vì có một số nội dung liên quan như quyền sở hữu, quyền của Nhà nước về thu hồi đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân và đại biểu Quốc hội để Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp - 21/6.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm