Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 08/06/2018 - 09:31
(Thanh tra)- Ngày 7/6, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra tại hội trường, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ Dự án Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) QH quan tâm cho rằng, sửa luật, đừng làm tăng số lượng cấp Tướng.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ. Ảnh: HG
Tránh hiểu nhầm “xóa Tổng cục lại mọc lên Cục đặc biệt”
Một trong điểm mới của dự thảo luật là bổ sung quy định Cục đặc biệt để phong hàm Trung tướng. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và quy định Cục đặc biệt thuộc Bộ Công an.
Bày tỏ băn khăn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng (ĐBQH đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề, Cục đặc biệt này trên Tổng cục, dưới Bộ Công an hay ngang Bộ. Chức năng, vị trí, vai trò của Cục đặc biệt thế nào, trong luật chưa thấy bóng dáng.
“Tôi cố gắng đọc báo cáo đánh giá tác động để tìm vị trí của Cục này mà chưa thấy. Tôi không phải không ủng hộ có Cục đặc biệt, nhưng ít nhất cho tôi thông tin nó là cái gì, vị trí của nó đến đâu. Tại sao trước đây Chính phủ chỉ quy định đến Bộ Công an, giờ phải quy định Cục đặc biệt?”, ông Hồng nêu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, Bộ Công an làm rõ để tránh hiểu nhầm “Cục đặc biệt có phải là biến tướng của Tổng cục. Xóa được 6 Tổng cục thì lại mọc lên mấy Cục đặc biệt”.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, trước đây Công an có các Tổng cục, giờ nguyên tắc bỏ trung gian, giải tán các Tổng cục mà có các Cục đặc biệt vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù.
“Cục đặc biệt phải có tiêu chí đặc biệt. Dự thảo luật cần phải có định hướng, còn quy định cụ thể do Chính phủ quy định”, ông Chính nói và gợi ý, như Cục chống Tội phạm ma tuý hay Cục chống tội phạm có tính chất đặc thù như liên quan kinh tế, tham nhũng nên có hướng như thế nào.
Trưởng ban Tổ chức Trương ương lưu ý, người đứng đầu Cục đặc biệt có thể lên cấp hàm Trung tướng nhưng cần cân đối số lượng Trung tướng là bao nhiêu để bảo đảm sự hợp lý.
“Cân nhắc phân tích thêm việc Thủ tướng bổ nhiệm Cục trưởng Cục đặc biệt. Hiện nay, theo tinh thần phân cấp, chúng ta tập trung giao cho cấp dưới một cách đối đa và tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát. Cần phân tích kỹ hơn vấn đề này để có quyết định cuối cùng”, ông Chính nêu.
Băn khoăn “vênh” giữa Công an và Quân đội
Dự thảo Luật quy định, Giám đốc Công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, khi bàn Luật CAND năm 2014 và Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã bàn và thống nhất cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với Chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh. Cho nên, khi sửa đổi, tăng cấp bậc hàm Giám đốc Công an tỉnh, TP cần bàn kỹ, để tránh sự “vênh”, “so bì không cần thiết” giữa lực lượng CAND với QĐND ở địa phương.
“Nếu được thì xin ý kiến Bộ Chính trị. Và tôi nhất trí tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm công bằng. Nhưng nếu trong điều kiện không được như vậy thì giữ như hiện hành để bảo đảm hài hòa giữa quân đội với Công an”, ông Hồng nói.
Tán thành như quy định của dự thảo, ông Phạm Minh Chính cho rằng, chọn địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự nhưng phải có tiêu chí. “Tránh việc số lượng tướng tăng lên so với luật cũ quy định. Tôi nghĩ phải khống chế trong tổng số. Tức là có 2 khống chế, 1 là tiêu chí, 2 là khống chế về tổng số cấp tướng mà lực lượng Công an được phong”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Đại tá Lê Ngọc Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, trước đây, khi thông qua Luật Sĩ quan QĐND, Bộ Quốc phòng cũng có văn bản đề nghị Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự ở đơn vị cấp tỉnh loại 1 là Thiếu tướng, nhưng cuối cùng không thực hiện được vì rất khó.
Ông bày tỏ quan điểm trần quân hàm đại tá với Giám đốc Công an tỉnh cũng như Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự như hiện hành, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đảm bảo nguyên tắc chức năng nhiệm vụ.
“Còn đồng chí nào hướng phấn đấu tốt, có trình độ năng lực thì lên Cục, lên Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu đưa ra Công an lên Thiếu tướng thì chắc chắn tôi cũng đề nghị bên quân đội sửa Luật Sĩ quan QĐND cho ngang bằng với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, ông Hải nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho hay, qua nhiều cuộc tiếp xúc thì cử tri có phản ánh việc cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng và người dân quan niệm là tướng thì phải cầm quân.
“Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không? Người dân phản ánh thì chúng ta cũng phải nên có lý giải”, bà Lê Thị Nga nêu và cho biết, qua tiếp xúc với một số người làm ở những vị trí này thì có ý kiến nói không nhất thiết hàm cấp tướng nhưng cần chính sách phù hợp.
Chính quy công an xã cần có lộ trình
Một vấn đề nữa, dự thảo luật quy định Công an xã, thị trấn theo hướng chính quy. Thượng tướng, Bộ trưởng Công an cho hay, hiện nay, có 1.065 đơn vị Công an xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy. Số đơn vị Công an xã, thị trấn chưa được bố trí Công an chính quy còn 8.516.
“Để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh Công an xã”, Thượng tướng Tô Lâm nói và cho hay, Chính phủ sẽ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm Trưởng Công an xã, thị trấn.
Hoàn toàn ủng hộ chủ tương này, nhưng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cần tính toán cụ thể, nếu thực hiện tốn kém bao nhiêu, lực lượng lấy ở đâu, tổ chức bộ máy thế nào?
“Tôi đọc báo cáo đánh giá tác động thấy còn sơ sài. Ví dụ trong báo cáo đánh giá nếu thực hiện thì tiết kiệm được 357 tỷ đồng… nhưng đánh giá như vậy là “tính cua trong lỗ”. Vì điều chuyển Công an chính quy về xã thì có phải xây dựng nhà công vụ không? Rồi chuyện đi lại từ nơi này sang nơi khác… tất cả phải tính”, ông Hồng lưu ý.
Cùng quan điểm, ông Phạm Minh Chính cho rằng, cần đánh giá tác động, thận trọng khi bố trí lực lượng chính quy về xã. Nên thí điểm những nơi có tình hình phức tạp về an ninh trật tự, sau đó, tổng kết để mở rộng, chứ không nên nóng vội.
Cũng cho ý kiến vấn đề này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay có tình trạng Công an cấp xã "vác tù và", kiêm nhiệm nhiều việc từ hồ sơ, xử lý vụ việc an ninh ở địa phương… nên cần cơ cấu lại. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, quá trình chính quy lực lượng Công an xã "không thể làm ngay một lúc, cần có lộ trình cụ thể".
Ủy ban Quốc phòng An ninh của QH cũng đề nghị, việc chính quy lực lượng công an xã phải bảo đảm lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Quân sự địa phương. Đồng thời, nghiên cứu sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm sự đồng bộ giữa 2 Luật.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh