Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi mới SGK: Không chuẩn mực có thể trả giá cho cả thế hệ

Thứ ba, 11/11/2014 - 20:40

(Thanh tra) - Hôm nay (11/11), thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ vẫn chưa yên tâm khi tương lai sẽ có nhiều bộ SGK, chưa kể việc các tổ chức, cá nhân phải “cạnh tranh” với Bộ Giáo dục Đào tạo trong việc biên soạn SGK.

ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, học sinh không còn thời gian vui chơi, tập thể thao, gần như đeo kính hết. Ảnh: Thảo Nguyên

Đổi mới đừng để “loạn chữ” 

Hiện nay, chương trình giáo dục nhìn chung vừa vượt quá khả năng tiếp thu của học sinh, vừa cứng nhắc không phù hợp đối với học sinh các địa phương, cơ sở giáo dục với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập. 

Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, bao gồm những nội dung cốt lõi, bắt buộc áp dụng trên quy mô toàn quốc và những nội dung bổ sung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời dành thời lượng để cơ sở giáo dục vận dụng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường. 

Cơ bản tán thành chủ trương phải đổi mới toàn diện chương trình giáo dục, ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội) đặt vấn đề, hiện nay, học sinh tiểu học ngồi quá nhiều, không còn thời gian vui chơi, tập thể thao, gần như đeo kính hết. Đó không phải mục tiêu giáo dục hiện nay của chúng ta, phải giúp các em khỏe mạnh, tự tin bước vào cuộc sống. 

Theo ĐB An, có thể thấy lược bỏ 1/2 chương trình bậc tiểu học và THCS hiện nay. 1 - 2 tiết thể dục thể thao/ tuần phải thay đổi lại. Đối với học sinh bé nên để nhiều thời gian vui chơi hơn vì thực tế rất ít trường để ý tới việc xây dựng sân chơi rèn luyện ý thức sức khỏe, cộng đồng.

ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội bày tỏ, phải có chương trình liên thông bảo đảm thống nhất giữa các vùng miền, cũng như cần tham khảo các tổ chức giáo dục, khoa học quốc tế xem cách xây dựng chương trình SGK của họ như thế nào để ứng dụng hiệu quả. “Sách của chúng ta nếu nhầm lẫn, không có chuẩn mực thì chúng ta phải trả giá cho cả một thế hệ”, ĐB Chung nói.

Theo ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), chương trình mới nên có hệ thống để học sinh được “học làm người”, tiếp cận pháp luật, nhất là những luật gắn với cuộc sống ngay từ những ngày đầu ở trường học để hình thành ý thức pháp luật.

Lo  ngại chuyện “lobby” để chọn SGK 

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn SGK phổ thông. Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác.

Một số ĐB đề xuất, để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK còn Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ thẩm định, cho phép đấu giá, phát hành bộ SGK được chọn. 

ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nhận định, Bộ Giáo dục Đào tạo lấy ngân sách Nhà nước biên soạn SGK thì ai dám biên soạn bộ khác? Thực tế, đa số các Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo đều cho biết sẽ chọn bộ sách do Bộ biên soạn sẽ khiến chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK “hô thì rất mạnh” nhưng sẽ không khả thi. 

Theo ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nếu không thống nhất mà nhiều chủ thể soạn thảo SGK sẽ dẫn đến chuyện “lobby” (vận động hành lang) để chọn bộ SGK được sử dụng. Bên cạnh đó, trình độ, mặt bằng dân trí hiện nay cho cơ sở giáo dục tự chọn 1 bộ SGK để giảng dạy là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến việc thiếu thống nhất và không đồng đều về chất lượng giáo dục dù đã có chương trình chung. 

Dẫn ví dụ về chương trình, SGK của GS Hồ Ngọc Đại đã được thực nghiệm từ nhiều năm, xã hội thừa nhận nhưng vẫn không thể nhân rộng, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), “nếu đã có SGK của Bộ thì không ai dám sử dụng bộ SGK ở ngoài”. Như vậy, “về hình thức, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK rất dân chủ để huy động trí tuệ xã hội song không thực tế”.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Ngọc Dũng (Sơn La) chỉ ra, không chỉ nhà trường e ngại không biết chọn bộ sách của Bộ biên soạn hay của các tổ chức, cá nhân khác mà chính các cha mẹ học sinh cũng xuất hiện tâm lý le ngại. “Tâm lý chung, tôi nghĩ họ sẽ chọn sách của Bộ Giáo dục Đào tạo biên soạn nhiều hơn”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận giải thích: Không phải Bộ muốn “ôm” việc soạn thảo SGK mà muốn chủ động trong việc thực hiện đổi mới chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, “việc đổi mới là dứt khoát, nhưng nếu buông hết mà không lo, tốt thì không sao, nhưng không triển khai, không chủ động được thì sẽ có lỗi với nhân dân”.

Vấn đề được nhiều ĐBQH băn khoăn việc Bộ trực tiếp biên soạn SGK rồi tự thẩm định và thẩm định cả SGK của các đơn vị, cá nhân khác biên soạn giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, giành hết chỗ, không còn chỗ cho các nhóm tác giả viết sách nữa, Bộ trưởng khẳng định, “hiện chúng ta đang tính toán một chương trình nhiều SGK, rất là nghiêm túc, cẩn thận thì việc Bộ Bộ Giáo dục Đào tạo biên soạn một bộ sách hay không biên soạn thì cũng không ảnh hưởng gì đến các bộ sách khác”.

Hơn nữa, việc thẩm định các bộ SGK, kể cả của Bộ biên soạn là do Hội đồng thẩm định độc lập, không phụ thuộc vào Bộ để chọn ra bộ sách nào đạt tiêu chuẩn, được lưu hành. Còn việc lựa chọn áp dụng bộ SGK nào lại phụ thuộc vào vùng, miền và các địa phương.

Thảo luận về Dự thảo Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) chiều 11/11, nhiều ĐBQH tán thành không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp huyện, cấp xã. ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên) nhận thấy, “ở cấp xã quyền tự quyết rất bé, nếu hệ thống pháp luật đã hoàn thiện thì chính quyền cấp xã cứ “bê nguyên” mà thi hành. Do đó, nếu bỏ hệ thống VBQPPL của cấp huyện, xã thì phải phân cấp, phân quyền cho rõ ràng”.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng tên luật đã ngắn gọn hơn nhưng phạm vi rộng và không rõ. “Cần phân biệt văn bản pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật, khác nhau và giống nhau ở điểm nào. Xác định được văn bản pháp luật thì phải xác định chủ thể nào được quyền ban hành.

Trong khi đó, ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, cho biết hầu hết các nước trên thế giới không có luật kiểu như thế này. Người ta đưa vào quy chế làm việc, chia ra một loại luật của Quốc hội và một loại của Chính phủ. Chúng tôi có tìm hiểu tại sao lại có luật này, bởi trước nay có cái luật để làm luật. Tôi thấy phải nghiên cứu tiếp, bởi nếu để thế này thì không ổn, đảo hết lý luận về pháp lý mà các trường đại học ở Việt nam hiện nay đang dạy.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm