Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thay đổi chương trình, sách giáo khoa, hàng triệu giáo viên phải đào tạo lại

Thứ sáu, 29/08/2014 - 06:42

(Thanh tra) - Chương trình hay, nhưng giáo viên không dạy được thì cũng bằng không.

GS Đào Trọng Thi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Tham vấn chuyên gia về Đề án Đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông. Ảnh: Hải Hà

Đó là lo ngại của GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Tham vấn chuyên gia về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông, diễn ra ngày 28/8.

+ Xin ông cho biết ý kiến của mình về Dự thảo 2 phương án triển khai Đề án Đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra lấy ý kiến dư luận?

GS Đào Trọng Thi: Tôi ủng hộ 1 chương trình nhiều bộ SGK. Ủng hộ hướng Bộ GD&ĐT phải chủ động biên soạn 1 bộ SGK, nhưng điều đó không có nghĩa là Bộ trực tiếp đi viết SGK, mà có thể giao cho nhà xuất bản hoặc trường nào đó biên soạn và Bộ vẫn phải chịu trách nhiệm về bộ SGK đó.

+ Về tổng thể có thể dự trù kinh phí cho Đề án viết SGK lần này là bao nhiêu thưa ông?

GS Đào Trọng Thi: Hiện nay, trong báo cáo của Bộ GD&ĐT chuyển cho Ủy ban chưa có con số cụ thể. Bộ GD&ĐT vẫn nợ nội dung ấy.

Theo tôi nghĩ sẽ không có nguồn tiền tập trung nào ở trong đề án, mà sẽ là phân bổ theo quy định của ngân sách hàng năm cho các địa phương để địa phương thực hiện trong thời gian dài. Đương nhiên, chúng ta có thể khái quát một con số để xem như đây là một định hướng để phân bổ ngân sách.

Rất có thể đợt này quy định rõ, ngân sách trực tiếp dùng cho viết CT là bao nhiêu? Viết SGK là bao nhiêu? Ngân sách hỗ trợ xuất bản SGK là bao nhiêu? Đào tạo giáo viên là bao nhiêu? Hỗ trợ cho địa phương, cơ sở giáo dục khó khăn là bao nhiêu? Có thể huy động cả ngân sách xã hội hóa ở địa phương. Nhà nước sẽ không đầu tư bình quân mà tập trung hỗ trợ cơ sở, địa phương khó khăn để họ đạt tiêu chuẩn tối thiểu là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện CT-SGK mới.

+ Như vậy là phải đợi tới phiên họp của Chính phủ mới có quyết định được con số cụ thể là bao nhiêu?

GS Đào Trọng Thi: Thực ra Dự thảo Đề án cũng đã dự tính con số cụ thể rồi, nhưng chưa thể công bố được vì phải chờ Chính phủ thông qua. Nếu công bố sớm mà Chính phủ lại không thông qua thì có sự bất nhất trong dư luận và nó sẽ tạo ra phản ứng không thuận. Vì vậy, chúng tôi thống nhất với cơ quan soạn Đề án là Chính phủ chưa thông qua thì vẫn còn đặt con số kinh phí này trong sự bí mật.

+ Nhưng thời gian qua, chúng ta cũng thấy cơ quan soạn thảo Đề án này là Bộ GD&ĐT đã đưa ra kinh phí dự kiến rơi vào khoảng 34.000 tỷ đồng (dù chưa chính thức). Theo chủ quan của cá nhân ông, con số này có thể sẽ tăng hay giảm?

GS Đào Trọng Thi: Đây là con số hoàn toàn chưa có cơ sở cả về pháp lý vẫn thực tiễn khoa học. Chắc chắn là, theo tinh thần của đề án lần này, con số sẽ không thể tính toán theo kiểu đó. Vì Đề án sẽ không có kinh phí tập trung mà phân bổ hàng năm về các địa phương theo Luật Ngân sách. Không phải là cho một cục, thực hiện trong thời gian dài.

+ Vậy nguồn lực để thực hiện đề án này sẽ như thế nào?

GS Đào Trọng Thi: Chính phủ đã có sự thống nhất và thông qua theo tinh thần chủ yếu chuẩn bị nguồn lực để đảm bảo các điều kiện thực hiện CT-SGK giáo dục phổ thông.

2 nguồn lực quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Đặc biệt, chúng ta phải đầu tư mạnh cho cơ sở giáo dục sư phạm để chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, không những đáp ứng yêu cầu bình thường thực hiện CT-SGK mà còn phải đi trước 1 bước.

Hiện nay, nếu chúng ta thay đổi mạnh về CT nội dung thì đội ngũ giáo viên cũng phải thay đổi mạnh về cơ cấu. Lúc đó sẽ không còn đội ngũ giáo viên các môn học như bây giờ nữa mà sẽ là giáo viên các môn học tích hợp. Nếu thay đổi đội ngũ giáo viên ấy cần ít nhất 4 năm giảng dạy trong nhà trường, cộng với một số năm tích lũy kinh nghiệm nữa thì mới có thể thực hiện nhiệm vụ.

Về cơ sở vật chất, hiện nay theo quy định của Nhà nước, cơ sở vật chất của các trường phổ thông là do UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm và bởi vậy chúng ta phải giao nhiệm vụ cho các địa phương, Trung ương sẽ hỗ trợ địa phương nào khó khăn và Trung ương chỉ đạo chuẩn các mẫu để người dân thực hiện. Nhưng cần tập trung để chúng ta có thể triển khai một cách đồng loạt. Như vậy, yêu cầu khả năng của chúng ta không đáp ứng được mà yêu cầu quan trọng hơn là có hiệu quả.

+ Có ý kến cho rằng cơ sở thực hiện đề án này vẫn chưa chắc chắn, thậm chí những tác động tích cực của đề án như giảm dạy thêm học thêm, giảm bệnh thành tích trong giáo dục cũng mới chỉ là tưởng tượng... do vậy đề án khó thành công, ý kiến của ông như thế nào?

GS Đào Trọng Thi: Ý kiến này rất xác đáng và sâu sắc. Cơ quan soạn thảo cần tiếp thu ý kiến đó để hoàn thiện trình Quốc hội.

Tôi cho rằng, điều kiện thực hiện đề án rất quan trọng. Kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng nhận định, cần có chương trình SGK phù hợp, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phải đáp ứng yêu cầu.

+ Với đề án này ông lo ngại nhất điều gì?

GS Đào Trọng Thi: Lo ngại nhất là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong trường hợp này, chúng tôi nhấn mạnh đội ngũ giáo viên, vì chúng ta thay đổi rất nhiều nội dung chương trình, sẽ làm thay đổi cơ cấu giáo viên.

Cái khó không phải đào tạo mới mà là đội ngũ giáo viên phải đào tạo lại. Hàng triệu con người phải thay đổi lại cơ cấu môn học, thay đổi chức năng giáo viên, thay đổi kiến thức mới khó. Chương trình hay mà giáo viên không dạy được thì coi như bằng không.

+ Xin cảm ơn ông!

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm