Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ năm, 28/11/2024 - 20:26
(Thanh tra) - Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật cần bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tránh tình trạng “vênh” giữa chủ trương và chính sách, đây cũng là bảo đảm tính Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH
Ngày 28/11, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật” với sự tham dự đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ngành.
Tăng tính linh hoạt và độc lập trong một số bước
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi).
Đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp có ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng pháp luật. Trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác xây dựng pháp luật càng có ý nghĩa then chốt, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp xác định, việc xây dựng dự án Luật này phải thực hiện nghiêm túc Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó lưu ý một số chỉ đạo mang tính chiến lược.
Tại tọa đàm, ông Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ khẳng định đây là cơ hội để sửa đổi toàn diện, cơ bản Luật Ban hành VBQPPL. Ông Sỹ đề xuất bỏ chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội vì gây ra tình trạng chậm, rút, hoãn dự án, dự thảo VBQPPL. Thay vào đó cần có định hướng nghiên cứu lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội, lập “dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội”. Trên cơ sở đó, Chính phủ có thể xây dựng kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm.
Ông Sỹ cũng nhấn mạnh tới việc tập trung vào giai đoạn lập đề án, chính sách; thực hiện nghiêm quy trình đánh giá tác động chính sách, bên cạnh đánh giá tác động của cơ quan chủ trì soạn thảo phải có đánh giá tác động độc lập của các tổ chức, cơ quan khác.
Đồng thời nghiên cứu bỏ cơ chế Ban soạn thảo, thay bằng cơ chế tham vấn ý kiến, tìm kiếm sự đồng thuận. Tuy nhiên, với một số dự án luật đặc biệt, có thể thành lập Ban soạn thảo độc lập, do Bộ Tư pháp thành lập và quản lý.
Theo ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đó là phải kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ở các khâu.
Luật Ban hành VBQPPL hiện nay đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế do quy định của luật và do cách thức tổ chức thực hiện. Công tác xây dựng, xem xét quyết định chính sách hiện đang gắn với chương trình xây dựng pháp luật nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
Vì vậy, ông Luyến đặt ra nên chăng giao cho cơ quan độc lập tiến hành đánh giá chính sách và thành lập cơ quan chuyên trách soạn thảo dự án, dự thảo Luật.
Theo nhận định của ông Nguyễn Phước Thọ, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật hiện nay cần tiếp cận trên cơ sở các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đồng thời phải đánh giá thực chất thực tiễn quy trình xây dựng pháp luật hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân và đi đến kết luận, phân biệt rõ giữa quy trình chính sách và quy trình soạn thảo.
Ông Thọ cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới hạn chế trong việc xây dựng chính sách hiện nay là chúng ta chưa xây dựng được đội ngũ soạn thảo chính sách chuyên nghiệp. Thời gian tới, nếu giữ quy trình soạn thảo chính sách cần đơn giản hóa hơn, nếu bỏ quy trình này thì có thể tiến hành đồng thời với quy trình soạn thảo.
Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật cần bám sát các chủ trương của Đảng
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh yêu cầu đổi mới quy trình xây dựng pháp luật cần bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27, các quy định của Bộ Chính trị, Thông báo kết luận số 108 của đồng chí Tổng Bí thư về buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 178 của Chính phủ cùng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Đây vừa là cơ sở chính trị quan trọng vừa là định hướng chỉ đạo để Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, quán triệt kỹ để triển khai hiệu quả.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc thiết kế quy trình xây dựng pháp luật phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tránh tình trạng “vênh” giữa chủ trương và chính sách, đây cũng là bảo đảm tính Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.
Theo Bộ trưởng, trong các giai đoạn xây dựng pháp luật, phải thể hiện được sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể song phải rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật. Phân định rõ 2 quy trình lập pháp và lập quy theo hướng lập quy đơn giản, linh hoạt hơn, phản ứng chính sách nhanh hơn.
Luật Ban hành VBQPPL cần sửa đổi theo hướng ngắn gọn, không quá chi tiết, đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp quan hệ pháp luật được điều chỉnh. Bên cạnh quy trình xây dựng pháp luật thông thường phải có quy trình rút gọn; có quy định liên quan tới giải thích pháp luật hoặc hướng dẫn pháp luật đối với những văn bản dưới luật; có cơ chế ủy quyền lập pháp để tránh “khoảng trống” pháp lý. Trừ những nội dung mật, quy trình này phải được công khai, minh bạch, có sự tham gia của các bên, nhất là những bên chịu tác động.
Về các bước, Bộ trưởng nhấn mạnh bước đầu tiên phải nhận diện vấn đề cần giải quyết, đây là trách nhiệm thuộc về bộ chủ quản; sau đó xem xét vấn đề đó cần giải quyết ở cấp độ luật hay không, nếu cần mới đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh song phải đảm bảo linh hoạt, không cứng nhắc.
“Đối với quy trình xây dựng chính sách, nên tách bạch với quy trình soạn thảo dự thảo VBQPPL. Cần làm khâu này kỹ càng bởi quyết định đến tính ổn định của pháp luật”, Bộ trưởng lưu ý.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý tới cơ chế đánh giá tác động, cơ chế tham vấn, cơ chế giải trình phải rõ ràng và cần được quan tâm hơn; giá trị thẩm định của Bộ Tư pháp đối với quy trình xây dựng chính sách phải đúng tính chất thẩm định chứ không phải góp ý.
Về quy trình quy phạm hóa chính sách, có nên nghiên cứu soạn thảo theo hướng chuyên nghiệp hay không, theo mô hình tập trung hay phi tập trung thì cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng. Với thực tế hiện nay, theo Bộ trưởng các bộ chủ quản sẽ chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát, kiểm tra trước khi trình là phù hợp đồng thời để tránh cài cắm lợi ích nhóm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 5/12, Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp xúc cử tri huyện Bình Xuyên sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và trước Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVII. Ông Dương Văn An Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn.
Chính Bình
14:08 05/12/2024(Thanh tra) - Nhấn mạnh muốn tinh gọn bộ máy, giảm biên chế thì phải phân cấp, phân quyền, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đồng thời lưu ý, phân cấp, phân quyền mà không chọn cán bộ thì nguy lắm!
Hương Giang
13:01 05/12/2024Trần Kiên
12:49 05/12/2024Trọng Tài
11:53 05/12/2024Ngọc Giàu
11:45 05/12/2024Bùi Bình
22:40 04/12/2024Chính Bình
Văn Thanh
Nhóm PV
LH
PV
Hương Giang
Trang Vân
Ngọc Anh
Trần Kiên
H.A
Văn Thanh