00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp lớn THACO, Vingroup, FPT, Hòa Phát đăng ký làm gì khi gặp Thủ tướng?

Hương Giang

Thứ hai, 10/02/2025 - 13:44

(Thanh tra) - Gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, THACO bày tỏ mong làm đường sắt đô thị, Vingroup thúc đẩy sản xuất xanh, FPT muốn phổ cập AI, Hòa Phát hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án...

Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, chúng ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

Trong các việc lớn nói trên, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng nêu.

Mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế

Ông Trần Bá Dương, chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) khẳng định đang nỗ lực cùng cả nước trong năm 2025 để đạt mức tăng trưởng 8%, từ nền tảng các ngành sản xuất mà Thaco đang xây dựng. 

Ông Trần Bá Dương, chủ tịch THACO

Cụ thể, với ô tô, THACO hiện sản xuất gần như là tất cả các loại sản phẩm đang nắm 32% thị phần. Năm 2024 công ty bán ra 92.000 xe và năm nay sẽ cố gắng bán 100.000 xe, tập trung vào xe lai, xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng.

Cùng đó, THACO đã đáp ứng được tỉ lệ nội địa hóa, xe du lịch là từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70%. Các chi phí sản xuất được giảm thiểu, đặc biệt đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực cơ khí-công nghiệp hỗ trợ, ông Dương cho biết, đã hình thành nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí. Nhờ đó giúp THACO tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao.

Chủ tịch THACO thông báo, tháng 9-2025 sẽ khởi công khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô hơn 700ha. Mục tiêu nhằm cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc cho doanh nghiệp để giảm giá thành và chi phí logistics.

Đặc biệt, ông Dương nói với định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng, THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt  đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

Với đội ngũ kỹ sư và kinh nghiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm, chủ tịch THACO khẳng định sẽ nghiên cứu chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành.

"Chúng tôi hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm", chủ tịch THACO nhấn mạnh. 

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế thì Hòa Phát cũng như vậy. "Chúng tôi cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển tối thiểu 15%", ông Long nói.

Theo ông Long, hiện nay toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%. Chúng ta có 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh.

Từ đó, ông Long cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.

Đề cập đến kế hoạch 2025-2030 vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát nhận định, đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.

Ông cho hay, thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 ngàn tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên, ông rất mong có 1 văn bản như một nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

"Hòa Phát xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu", ông Trần Đình Long nhấn mạnh.

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup

Cũng bởi, Vinfast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành, các lĩnh vực về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. 

Mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới và VinRobotics, VinOcean để phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người. 

Với quan điểm Vingroup xác định việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Quang khẳng định sẽ cam kết đóng vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đề nghị cần phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ, bởi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên. 

Với mong muốn cần tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn là khoa học công nghệ, theo ông Bình cần "bình dân AI vụ", tiếp nối tinh thần "bình dân học vụ". Đặc biệt khi vừa qua, câu chuyện DeepSeek, "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", cho thấy các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được.

"Cơ hội đang đến, tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo. Chúng tôi là những người trực tiếp triển khai, đưa  vào lớp 1 được. Song cần nhất là vai trò của Nhà nước để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo", ông Trương Gia Bình bày tỏ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng: Tiếp tục ngoại giao để Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong lúc chờ đàm phán

Thủ tướng: Tiếp tục ngoại giao để Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong lúc chờ đàm phán

(Thanh tra) - Giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tiếp tục giao thiệp để Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam trong lúc chờ đàm phán, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát ngay các sắc thuế, mở rộng chính sách theo hướng tiệm cận thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump tại cuộc điện đàm ngày 4/4.

Hương Giang

22:59 05/04/2025
Thủ tướng kết luận về Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt

Thủ tướng kết luận về Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt

(Thanh tra) - Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 157/TB-VPCP ngày 5/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

T. Minh

19:46 05/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm