00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điều hòa, xăng không phải hàng xa xỉ, đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Hương Giang

Thứ tư, 26/03/2025 - 10:43

(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội chuyên trách, xăng và điều hòa nhiệt độ là những mặt hàng thiết yếu, không phải hàng xa xỉ, nên cần cân nhắc quy định các mặt hàng là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sáng 26/3, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tại đây, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ xăng và điều hòa ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung mặt hàng không chịu thuế là xăng, điều hòa nhiệt độ vì đây là những hàng hóa thiết yếu.

Nêu quan điểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị giữ như dự thảo, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. 

Còn với mặt hàng điều hòa, theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cơ quan soạn thảo đang cân nhắc phương án giới hạn lại phạm vi các mặt hàng điều hoà nhiệt độ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Góp ý, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nói “giới hạn lại phạm vi”, nghĩa là vẫn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: P.Thắng

“Điều hòa nhiệt độ là sản phẩm tiêu dùng phổ biến và không có gì thay thế, đánh thuế cao bao nhiêu thì người dân vẫn phải dùng. Hạn chế đến đối tượng nào đó thì vẫn không thay đổi hành vi”, ông Cường phân tích và đề nghị bỏ điều hòa khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh đánh thuế phải đúng bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo ông, tương tự với điều hòa, xăng cũng là mặt hàng thiết yếu và không thể hạn chế sử dụng.

“Xăng vừa chịu thuế bảo vệ môi trường, vừa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vậy có đúng bản chất không?", ông Giang đặt vấn đề và cho rằng nếu xác định dùng xăng ảnh hưởng tới môi trường thì tăng thuế bảo vệ môi trường chứ không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Từ đó, ông Giang đề xuất, với mặt hàng xăng và điều hòa 90.000 BTU trở xuống không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông). Ảnh: P.Thắng

Giải trình thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết, điều chỉnh, thay đổi hành vi tiêu dùng. 

Theo ông Tuấn, với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, trước đây đặt vấn đề là mặt hàng xa xỉ, nhưng nay đã phổ thông nên ban soạn thảo sẽ cùng với các cơ quan liên quan rà soát để có phương án điều tiết phù hợp.

“Chính phủ trình đối tượng chịu thuế là điều hòa 90.000 BTU trở xuống. Nhưng nhiều ý kiến nêu đây là mặt hàng thông dụng, phổ thông, nhiều gia đình dùng thì chúng tôi sẽ rà soát, đề xuất phương án điều hòa nhiệt độ từ 18.000 BTU trở xuống và trên 18.000 BTU đến dưới 90.000 BTU”, ông Tuấn nói.

Với mặt hàng xăng, ông Tuấn cho hay, đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt trong 30 năm qua. Bộ đã rà soát kinh nghiệm của nhiều nước thì đều đánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt thu theo tỷ lệ phần trăm, còn thuế bảo vệ môi trường thu thuế tuyệt đối.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. Ảnh: P.Thắng

Hơn nữa, mức thuế với xăng sinh học đang được đề xuất thu mức thuế thấp hơn để khuyến khích dùng loại xăng này. “Nếu bỏ đi sẽ không khuyến khích được xăng sinh học", ông Tuấn nói thêm.

Tại Việt Nam, xăng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1995. Để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, mức thuế suất ưu đãi với xăng E5 là 8%, E10 - 7%. Các mức này thấp hơn so với thuế suất 10% với xăng khoáng, chẳng hạn RON 95-III loại phổ biến trên thị trường.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) như hiện nay, theo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự án luật là phù hợp, góp phần giảm phát thải và định hướng tiêu dùng tiết kiệm. 

Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 4 chương và 12 điều, đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Đánh thuế “sốc” với rượu bia, thuốc lá, không tăng đều hàng năm

Với sản phẩm thuốc lá và rượu, bia, ông Hoàng Văn Cường đồng tình đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Song điều ông quan tâm là cách đánh thuế thế nào để có thể mang lại hiệu quả, giảm tiêu dùng. 

Dự thảo luật đưa ra phương án từ 2026 - 2030 sẽ tăng 5% với sản phẩm rượu bia và tăng mỗi năm 1 nghìn đồng/bao thuốc lá. “Cách tăng đều đều 5% như vậy có ý nghĩa gì? Có làm cho người tiêu dùng thay đổi hành vi không? Hay người tiêu dùng lại thấy mức thay đổi này không đáng bao nhiêu, nên cứ dùng đều”, ông Cường nêu.

Theo ông Cường, cách thức đánh thuế tăng đều theo hàng năm không phải mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng mà có thể khiến người tiêu dùng dần dần thích nghi. Từ đó, ông đề nghị bỏ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đều hàng năm, mà tăng một đợt nhưng với mức cao và có thể vài năm tăng một lần.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng: Gỡ dứt điểm vướng mắc 1.533 dự án tồn đọng, không tạo tiền lệ sai phạm tiếp theo

Thủ tướng: Gỡ dứt điểm vướng mắc 1.533 dự án tồn đọng, không tạo tiền lệ sai phạm tiếp theo

(Thanh tra) - Yêu cầu tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án tồn đọng, kéo dài Thủ tướng đồng thời nêu rõ quá trình giải quyết, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể được làm rõ tới đâu thì xử lý tới đó, “đánh chuột nhưng không vỡ bình”, không để sai chồng sai, không tạo tiền lệ cho các sai phạm tiếp theo.

Hương Giang

16:38 30/03/2025

Tin mới nhất

Xem thêm