Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất tiền cọc tối thiểu, tối đa khi đấu giá đất

Hương Giang

Thứ ba, 26/09/2023 - 16:35

(Thanh tra) - Đấu giá quyền sử dụng đất trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm, theo đề xuất của Chính phủ tại tờ trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Đ.X

Thừa ủy quyền Thủ tướng, ký tờ trình dự án luật gửi Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định trình tự, thủ tục đấu giá.

Cơ bản giữ nguyên các quy định của luật hiện hành còn phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn; dự thảo mới sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản.

Trong đó, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch hơn, hạn chế các tiêu cực phát sinh, khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là với một số tài sản đặc thù.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, dự thảo đã bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá với tài sản đặc thù, gồm: quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án.

Cụ thể, là thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất; việc người có tài sản đấu giá xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá…

Riêng đấu giá quyền sử dụng đất trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, dự thảo luật quy định rõ, tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận việc nộp tiền đặt trước vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và được phong tỏa theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc.

Vẫn theo dự thảo luật, khi trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Những quy định mới này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung với một số tài sản đặc thù thời gian qua, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, nhất là tài sản công, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự.

Cạnh đó, quy định rõ hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra hôm nay (26/9), và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 tháng 10 tới đây.

Phải qua khóa đạo tạo nghề mới được làm đấu giá viên

Liên quan đến đấu giá viên, dự thảo luật bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề. Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định miễn đào tạo nghề với luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên cũng được miễn đào tạo nghề đấu giá viên.

Dự thảo luật cũng bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đấu giá viên, để khắc phục tình trạng một bộ phận đấu giá viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Những đề xuất mới này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Tờ trình của Chính phủ nêu, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được nâng cao nhưng vẫn còn một số hạn chế. Đáng lưu ý, còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính, hình sự. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm