Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 16/01/2024 - 15:56
(Thanh tra) - Chính phủ trình Quốc hội quyết định 8 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành nghị quyết như tờ trình của Chính phủ. Ảnh: P.Thắng
Sáng 16/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương được giao còn rất chậm.
Vì thế, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ.
“Các giải pháp này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp”, theo tờ trình của Chính phủ.
Tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội quyết định 8 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trình Quốc hội lần này, Chính phủ đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Chưa thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện ngay trong giai đoạn 2021-2025; quy định cơ chế định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Theo phương án này, cấp tỉnh quyết định phân bổ, giao dự toán, kế hoạch vốn cho huyện thí điểm theo tổng số vốn thực hiện các chương trình (không phân biệt theo chương trình. Cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng chương trình, dự án thành phần, danh mục dự án đầu tư công.
“Quy định cơ chế thí điểm như phương án 1 để làm cơ sở định hướng cho quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 sẽ đảm bảo tính thận trọng; không làm xáo trộn các kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và hằng năm đã được Quốc hội quyết nghị”, ông Phớc nói.
Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ...
Với phương án này, Chính phủ lo ngại sẽ làm phát sinh những bất cập. Trước hết, địa phương phải mất thời gian xây dựng, ban hành một số quy định cụ thể, dự kiến sẽ làm chậm tiến độ thực hiện.
Cạnh đó, có thể xảy ra tình trạng địa phương chỉ ưu tiên vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, không ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh, hỗ trợ người dân; làm thay đổi cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết nghị.
Chính phủ đề xuất cho phép các địa phương được quyết định lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện cơ chế thí điểm tùy theo điều kiện thực tiễn; đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cấp trong triển khai thực hiện cơ chế.
Thẩm tra nội dung, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, việc thực hiện chính sách cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện là triển khai nội dung đã được quy định tại Nghị quyết 100 của Quốc hội.
“Dự thảo của Chính phủ đã tiếp thu báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sửa theo hướng giao cho cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất và giao cho cho HĐND tỉnh quyết định nội dung phân cấp đối với cấp huyện”, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.
Tuy nhiên Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2. Bởi, phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026-2030.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết thêm, cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này.
Nêu quan điểm chung, theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành nghị quyết như tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau khi nghe tờ trình, thẩm tra ở hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường cùng ngày, sau đó xem xét biểu quyết thông qua vào sáng 18/1.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước do đang điều trị bệnh.
Hương Giang
17:00 21/11/2024(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.
Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Trần Lê
19:31 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên