Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 07/09/2022 - 10:18
(Thanh tra) - Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) mới nhất được chỉnh lý theo hướng “thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: P.Thắng
Sáng ngày 7/9, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 3 (tháng 5/2022) và dự kiến thông qua tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022).
Trong phát biểu khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, ông Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra.
Việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại tổng cục, cục thuộc bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước; tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tại một số sở và thẩm quyền thành lập thanh tra sở của UBND cấp tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về quy trình thanh tra, cơ chế phối hợp, xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, kiểm toán…
Lập thanh tra tổng cục, cục không làm phát sinh biên chế
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo luật tiếp tục giữ thanh tra huyện như hiện hành.
Một số ý kiến đề nghị không tổ chức thanh tra huyện hoặc không thành lập thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.
Quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn là đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội là “giữ Thanh tra huyện”.
“Không duy trì thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển”, ông Tùng nhấn mạnh.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua, theo Ủy ban Pháp luật, cần đề nghị Chính phủ khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Liên quan đến việc lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo thấy, dự thảo luật quy định là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.
Theo ông Tùng, việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định về tiêu chí, nguyên tắc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ trong 3 trường hợp.
Cụ thể là: Theo quy định của luật; tại các tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi thống nhất với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Sau khi luật được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ rà soát kỹ các cơ quan hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo hướng chỉ cơ quan nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nguyên tắc, thực sự cần thiết và có đủ năng lực thì mới được thành lập cơ quan thanh tra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu.
Không phân quyền hoàn toàn cho tỉnh lập thanh tra sở
Về thanh tra sở, quá trình thảo luận, cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo cho rằng, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở là phù hợp.
Tuy nhiên, việc phân quyền hoàn toàn cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở có thể làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, nhất là với các lĩnh vực có phạm vi quản lý chuyên ngành rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật, như đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, tài chính, giáo dục… nếu địa phương không quyết định thành lập thanh tra sở.
Do đó, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng “thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.
Ông Tùng nhấn mạnh, quy định như vậy vừa bảo đảm được yêu cầu về quản lý Nhà nước, sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy thanh tra sở trong phạm vi cả nước, vừa đáp ứng được đặc thù yêu cầu quản lý của từng địa phương; đồng thời, vẫn thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
Mặt khác, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, chính quyền địa phương chủ động trong việc quyết định tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã rà soát dự thảo luật để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán làm tăng chi phí, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Cụ thể đã chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về: xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm; nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; việc thu thập thông tin, tài liệu trong chuẩn bị thanh tra; công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán và trách nhiệm của các cơ quan trong việc sử dụng các kết luận này…
“Thực tế hiện nay, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã ký Quy chế Phối hợp để xử lý kịp thời các chồng chéo, trùng lặp trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thông tin.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà