Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất sửa đổi nhiều luật để gỡ vướng cho dự án đầu tư công

Hương Giang

Thứ năm, 29/06/2023 - 16:33

(Thanh tra) - Theo Thủ tướng, đề nghị xây dựng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư công là yêu cầu thực tiễn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 29/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023.

Chính phủ xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung: đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì); Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) (Bộ Nội vụ chủ trì); đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất (Bộ Công thương chủ trì); việc sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì).

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ yêu cầu đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng, tránh tình trạng quy định vừa ban hành xong nhưng thực hiện lại vướng mắc.

Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở.

Thủ tướng lấy ví dụ, việc giao Hà Nội và TP HCM triển khai các dự án xây dựng các tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4 đã giúp giải phóng mặt bằng các dự án này triển khai rất nhanh trong vòng 1 năm.

Trong khi, có những dự án hạ tầng giao thông trước đây tại 2 TP này mất tới 10 năm để giải phóng mặt bằng và đội vốn lớn.

Nhắc lại quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, người đứng đầu Chính phủ nói, chúng ta tháo gỡ được vướng mắc về quy định thì mới tháo gỡ, khơi thông được nguồn lực, thúc đẩy được tăng trưởng.

Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến của cơ quan thẩm định, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến và từng đề nghị, dự án luật.

Trong đó, với đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Thủ tướng lưu ý cần cơ chế tập trung, tổng thể với đội ngũ nhà giáo. Các chính sách phải vừa bảo đảm đặc thù, vừa phù hợp, hài hòa với tổng thể chung; vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập, vừa phù hợp với văn hóa-lịch sử của đất nước, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023. Ảnh: N.Bắc

Về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, Thủ tướng cho biết, việc đề nghị xây dựng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đầu tư, ngân sách là yêu cầu thực tiễn, được nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, xây dựng phương án phù hợp trên cơ sở rà soát các chính sách đang thực hiện, thí điểm có hiệu quả để áp dụng.

Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đã được nhiều ý kiến đề nghị cần tháo gỡ, nhất là liên quan đến xây dựng các dự án đường bộ; tách khâu giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư, xây dựng; vướng mắc do quy định đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ phải dùng nguồn ngân sách Trung ương, không dùng nguồn ngân sách địa phương…

Việc xây dựng luật hoặc nghị quyết phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, nêu rõ căn cứ, cơ sở pháp lý, thực tiễn, khoa học để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công, theo yêu cầu của Thủ tướng.

Các cơ quan chủ trì được giao tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; tổ chức các cuộc hội thảo, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đối tượng tác động để hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.

Thủ tướng lưu ý, đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, sát thực tế, khả thi, hiệu quả.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm