Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH Đỗ Văn Đương: "Thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy"

Thứ hai, 03/11/2014 - 18:27

(Thanh tra) - "Nhiều cấp phó quá thì lại làm phân tán nguồn lực, việc chỉ đạo nhiều khi không thống nhất. Đó là tôi chưa nói đến chi phí cho cấp phó vì dưới họ là cục trưởng, vụ trưởng, vụ phó rồi tiếp đến là một loạt công chức phục vụ bộ máy". Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) trao đổi với báo chí về tình trạng “lạm phát” cấp phó ở nhiều bộ, ngành diễn ra trong thời gian qua bên lề hành lang Quốc hội ngày 3/11.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thảo Nguyên

+ Tình trạng “lạm dụng cấp phó” ở các bộ, ngành hiện nay đang dấy lên mối lo trong cử tri và ĐBQH. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Thực chất cấp phó cũng rất quan trọng vì một mình cấp trưởng không thể làm hết việc. Có những công việc cấp phó lại là người quyết định chứ không phải cấp trưởng. Nhưng nhiều cấp phó quá thì lại làm phân tán nguồn lực, việc chỉ đạo nhiều khi không thống nhất. Đó là tôi chưa nói đến chi phí cho cấp phó vì dưới họ là cục trưởng, vụ trưởng, vụ phó rồi tiếp đến là một loạt công chức phục vụ bộ máy.

Như vậy, chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy. Nếu bộ ngành nào cũng như vậy thì chi phí hành chính quá lớn. Trong khi đó công việc lại ách tắc - vì nếu một người làm thì nhanh nhưng cái gì cũng tập thể là công việc ì ạch.

+ Pháp luật hiện hành quy định rất cụ thể, bao nhiêu cấp phó ở mỗi bộ, ngành, nhưng không được thực hiện nghiêm mới dẫn đến tình trạng “lạm phát”. Theo ông trong Luật Tổ chức Chính phủ có nên đưa ra quy định cụ thể mỗi bộ, ngành được bao nhiêu cấp phó hay không?

- Trong luật đã có, nhưng trong quá trình tổ chức phải rất nghiêm mới thực hiện được. Còn quy định cụ thể trong luật thì nếu có thể giảm bớt được thì cũng nên giảm. Theo tôi tốt nhất là quy định cứng trong luật để sau này không phải ban hành nghị định, thông tư nữa - nếu có thì mỗi ngành lại tự đặt ra bộ máy, mà có bộ máy thì đương nhiên phải có người lãnh đạo.

Vì thế luật pháp phải quy định rõ để tránh vận dụng một cách tùy tiện khi thi hành. Mà chính sự tùy tiện trong vận dụng chỉ liên quan đến lợi ích của một số người. Lợi ích của một số người đôi khi lại liên quan rất lớn đến xã hội.

+ Không chỉ “lạm phát” cấp phó ở các bộ, ngành, hiện nay cũng có tình trạng “lạm phát” các tổng cục. Theo ông liệu có phải thu gọn cấp trung gian này, để bộ máy hành chính đỡ phình to hay không?

- Phải thu gọn lại chứ không thể để chỗ nào cũng có tổng cục được. Tổng cục đôi khi vai trò quan trọng chẳng kém gì các bộ. Thông thường bộ máy được quy định dưới bộ là các cục, vụ, viện, thế nhưng bây giờ lại sinh ra một cấp trung gian nữa là cấp tổng cục. Nghĩa là bộ máy quá độ giữa cái này và cái kia thì sinh ra một anh kém thứ trưởng một tí nhưng lại trên vụ trưởng. 

Theo tôi, cái này cũng phải hạn chế với tinh thần muốn phải tinh giản bộ máy gọn nhẹ thì phải bớt cấp trung gian, bớt cấp phó mới được và phải thế mới giảm biên chế được.

+ Không chỉ cấp bộ, nhiều xã phường hiện nay cũng có đến vài trăm cán bộ, trong khi dân số không quá đông?

- Bộ máy hành chính cấp xã cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ để thu gọn lại. Tinh thần là nên giảm chức vụ đi, còn nếu sinh ra nhiều quá thì lấy đâu kinh phí mà nuôi.

+ Thực chất lương công nhân viên chức rất thấp, vậy tại sao nhiều người vẫn tìm mọi cách vào cơ quan Nhà nước làm việc?

- Đơn giản là do làm lao động bên ngoài nhiều rủi ro hơn vì doanh nghiệp hôm nay thế này nhưng ngày mai có thể phá sản, giải thể. Thực chất là làm ở bên ngoài lương cũng rất thấp như công nhân đi làm từ sáng đến tối nhưng lương như thế nào thì ai cũng biết.

Hơn nữa, công chức tuy lương thấp nhưng ở nhiều nơi vẫn cuộc sống có thể khá giả vì người ta không hẳn sống bằng lương. Vì vậy người ta mới tìm vào Nhà nước để nhằm vào thứ khác nữa. Có lẽ do kẽ hở pháp luật tạo nên sự nhũng nhiễu dễ nảy sinh tiêu cực. 

Ngoài ra, còn có tâm lý vào cơ quan Nhà nước để phấn đấu làm lãnh đạo chứ tư nhân thì đơn thuần chỉ làm kinh tế. Và khi ông trưởng thành về mặt chính trị thì anh có quyền lực và đã có quyền lực thì có điều kiện để thu nhập cao hơn. 

Cho nên ở đây khâu tuyển dụng rất quan trọng. Tuyển dụng mà không cẩn thận thì sẽ không tuyển được nguồn nhân lực tốt vào nhà nước mà chảy máu chất sám. Bởi những người có năng lực, dám làm, dám chịu, sáng tạo thì bên ngoài dùng ngay.

+ Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên (ghi)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm