Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại biểu Quốc hội nói gì việc tiêm vaccine COVID -19 cho trẻ, học sinh đi học trở lại?

Hương Giang

Thứ hai, 25/10/2021 - 21:46

(Thanh tra) - Chiều ngày 25/10, bên hành lang Quốc hội, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục và GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương trao đổi với báo chí xung quanh việc tiêm vaccine COVID -19 cho trẻ em, học sinh đi học trở lại.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục. Ảnh: Đ.X

Theo ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục (đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Nam), để học sinh đi học trở lại đầu tiên là vaccine.

“Các em phải được tiêm vaccine thì mới đảm bảo được vì trường học, lớp học là nơi đặc thù rất dễ lây lan vì số lượng học sinh đông, ở nhiều nơi, chưa kể còn có người đưa đón”, ông Hạ nhấn mạnh.

Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị phải làm sao có nhanh vaccine để tiêm cho trẻ em và Việt Nam phải tiến tới chủ động được nguồn vaccine, nghĩa là phải sản xuất được vaccine.

Song song đó là những giải pháp khác như 5K, tổ chức lớp học giãn cách như một lớp có thể chia học 2 ca. Thậm chí tiến tới phải có quy trình chuẩn trong nhà trường như khi phát hiện ca F0 thì xử lý như thế nào với học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo.

Ông Tạ Văn Hạ cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tích cực để có nguồn vaccine tiêm cho trẻ em sớm nhất.

“Vaccine nào tiêm được cho trẻ em thì ta phải dựa vào Tổ chức Y tế thế giới công bố và một số nước như Mỹ. Nhưng ngay cả Mỹ, tôi đọc thông tin thấy có câu chuyện là vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em thì có 44% người dân được hỏi đồng tình tiêm cho con em họ, cũng có 42% lo lắng về chất lượng vaccine”, ông Hạ nói.

Từ đó, đại biểu cho rằng, phải có quy trình tiêm vaccine cho trẻ em. “Tôi tin rằng, tiêm vaccine cho trẻ em sẽ thận trọng và có giải pháp để làm sao tiêm nhanh nhất khi vaccine về”, ông Hạ nói, ông được biết sẽ tiêm trước tiên cho đối tượng từ độ tuổi từ 15 - 18 tuổi.

GS.TS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Còn theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) với độ tuổi từ 12-18 thì tiêm “vaccine được rồi”, nhưng với trẻ em dưới 12 tuổi thì phải tiếp tục nghiên cứu.

“Tiêm vaccine cho các cháu nhỏ tuổi đang được tiếp tục nghiên cứu. Vì không phải cứ lấy vaccine của người lớn, dùng liều lượng ít đi là tiêm được cho các cháu”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Để tránh bị lỡ cơ hội tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, ông Trí nhấn mạnh, phải bám sát tất cả công bố trên thế giới để cập nhất.

“Nếu có loại vaccine nào được Tổ chức Y tế thế giới công bố có thể tiêm cho các cháu dưới 12 tuổi trở xuống thì cố gắng tiếp cận nhanh nhất để có vaccine kịp tiêm cho các cháu”, ông Trí nêu ý kiến.

Trong lúc chờ vaccine, đại biểu Trí cho rằng vẫn nên tạo điều kiện cho học sinh đi học trở lại “càng sớm, càng tốt”. Bởi theo ông, vaccine chỉ là một yếu tố, đi học còn liên quan đến vấn đề tổ chức.

Từ đó, ông đưa ra quan điểm, để học sinh đi học trở lại thì trước hết trong gia đình và quá trình đưa học sinh đến trường phải bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường có thể nhiễm bệnh. Có thể áp dụng “3 tại chỗ” ở trường học trong trường hợp gia đình không có điều kiện. Với trường học thì phải bố trí bảo đảm giãn cách nhất định; hướng dẫn học sinh phòng, chống dịch.

Khi đã thực hiện tốt các biện pháp trên thì 2 tuần xét nghiệm 1 lần để bảo đảm học sinh đi học an toàn.

“Ai cũng phải vào cuộc và vào cuộc quyết liệt với trách nhiệm, tình cảm lớn nhất với các cháu”, ông Trí nhấn mạnh và lưu ý thêm, phải cố gắng để tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi.

"Vùng xanh chỉ là mang tính chất tương đối"

Còn “vùng xanh”, theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ “chỉ là khái niệm mang tính chất tương đối”

“Dịch không có vùng, không có địa giới hành chính. Hôm nay là vùng xanh nhưng mai có 1 ca nhiễm di chuyển phức tạp thì vùng xanh có khi không còn xanh nữa”, ông Tạ Văn Hạ nói.

Đại biểu tiếp tục nhấn mạnh phải có biện pháp sớm nhất để các em đi học để giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý do học trực tuyến, tăng cường quan hệ xã hội và tương tác bạn bè trong lớp, thầy cô với học trò. 

Theo ông Hạ, trong bối cảnh sống chung, thích ứng an toàn với dịch COVID -19 thì việc học cũng phải tính đến sự thay đổi. 

“Ngay như Quốc hội cũng họp trực tuyến”, đại biểu dẫn chứng và cho rằng, phải tính đến thay đổi giáo trình, phương pháp dạy, áp dụng công nghệ… để làm sao học sinh có thể học ở bất kỳ đâu, đáp ứng được yêu cầu khi kiểm tra, thi cử. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm