Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Chủ nhật, 25/07/2021 - 14:55
(Thanh tra) - Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất giao Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc biệt trong phòng, chống COVID -19.
Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội). Ảnh: Đ.X
Theo các đại biểu, trong lúc Quốc hội đang thảo luận các định hướng, kế hoạch thì người dân đang chờ đợi vaccine, chờ đợi ngày tháng khó khăn sẽ nhanh qua
Quốc hội dành 1 ngày (25/7) để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.
Dịch bệnh bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp và cuộc sống người dân
Tham gia ý kiến, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề cập tới việc thực hiện các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do địa dịch COVID -19. Theo bà, gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng thực hiện chưa kịp thời, khi mới giải ngân được 36% tổng mức dự kiến.
Với gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng năm nay, Chính phủ xây dựng trên tinh thần thông thoáng. “Đổi mới là trân trọng, nhưng nếu không thận trọng sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Khẩn trương là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, không phô trương, hình thức”, bà Mai nhấn mạnh.
Đề nghị cần cân nhắc cơ chế hậu kiểm với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, đại biểu cũng cho rằng, “chính sách hỗ trợ thể hiện tính nhân văn cao cả, thể hiện hình ảnh của Chính phủ đưa bàn tay, cùng người dân đi qua khó khăn, nên hành xử cũng phải nhân văn”.
Về đề xuất giao Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc biệt trong phòng, chống COVID -19, bà Mai đồng tình song lưu ý, bên cạnh khống chế thời hạn thực hiện chính sách này, cũng cần xác định cụ thể trách nhiệm để không trục lợi, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Bà Mai cho rằng, khâu tổ chức thực hiện phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Vì thế, cần những con người có năng lực, trí tuệ vận hành bộ máy, chính sách.
“Khi chúng ta thảo luận ở đây về định hướng, kế hoạch thì ngoài kia người dân vẫn đang chờ đợi vaccine, chờ đợi những ngày tháng khó khăn sẽ nhanh qua. Tôi tin là Chính phủ với quyết tâm, nỗ lực sẽ làm được”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhận định, “ảnh hưởng của dịch bệnh đã bào mòn cả sức khoẻ của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân”.
Các gói hỗ trợ đang triển khai thiết thực, đúng đối tượng
Nhìn từ bức tranh thực tế của Quảng Trị, theo ông Đồng, triển vọng kinh tế Việt Nam cả năm 2021 trở nên kém lạc quan.
“Dịch bệnh đợt 4 đang diễn biến rất phức tạp, có thể sẽ ngăn cản Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% năm nay. Nhưng CPI bình quân cả năm có thể chỉ tăng từ 2,2 tới 2,5%, dưới xa mục tiêu Quốc hội đã đặt ra. Rủi ro cho dự báo lạm phát này chủ yếu nằm ở yếu tố “phí đẩy” đang rất khó lường”, ông Hà Sỹ Đồng cảnh báo.
Trong khi đó, dư địa của chính sách tài khóa để thực hiện các chương trình hỗ trợ đang hạn hẹp dần; thu ngân sách nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn… “Khó khăn, thách thức đang bủa vây chúng ta”, đại biểu tỉnh Quảng Trị nói.
Tuy nhiên, theo ông Hà Sỹ Đồng, Việt Nam không chỉ toàn khó khăn. Chính phủ vừa trình Quốc hội biện pháp đặc biệt chống COVIVD -19, cùng với đó là những kế hoạch dài hơi về tài chính công, nợ công, đầu tư công với những cân đối hướng tới mục tiêu tổng quát của cả 5 năm.
Giải trình các ý kiến của đại biểu về gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận, việc triển khai gói 62.000 tỷ đồng “chưa được như mong muốn”, song đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó, ngân sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được 13.000 tỷ đồng.
Với gói 26.000 tỷ đồng (ban hành đầu tháng 7) đến nay 63/63 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch và đang triển khai thực hiện.
“Nhiều địa phương đạt kết quả cao”, ông Dung thông tin và đưa ra các con số chứng minh như nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng.
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ người lao động tự do được triển khai rất nhanh, nhất là các địa phương phải giãn cách xã hội. “Tất cả lực lượng lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm nghìn người đã được các địa phương xem xét, đã và đang triển khai hỗ trợ”, ông Dung cho hay.
Tư lệnh ngành Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, các gói hỗ trợ đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng và đối tượng thụ hưởng đang dễ dàng tiếp cận chính sách hơn.
“Với phương châm càng khó khăn, càng phải quan tâm an sinh phúc lợi, chính sách xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Bộ trưởng Dung cho biết, tới đây sẽ tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương