Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện chống bức cung, dùng nhục hình lại “nóng”

Thứ năm, 11/09/2014 - 16:42

(Thanh tra) - Chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự một lần nữa lại nóng lên khi hôm nay (11/9), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về vấn đề này với sự tham gia của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao …

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh, các vụ dùng nhục hình để lại hậu quả nghiêm trọng, làm giảm niềm tin của ngườ dân vào cơ quan tố tụng. Ảnh: Thảo Nguyên

Dùng nhục hình có xu hướng tăng

Theo báo cáo của TAND Tối cao, từ 1/1/2011 đến 31/12/2013, TAND cấp sơ thẩm đã thụ lý 602 vụ với 828 bị cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó không thụ lý vụ án nào về tội bức cung và có 10 vụ với 23 bị cáo phạm tội “dùng nhục hình”. 

Đáng chú ý, tội dụng nhục hình có xu hướng ngày càng gia tăng: Năm 2011 có 1 vụ/2 bị cáo; năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo; năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo. Các tòa án đã giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 5 vụ với 10 bị cáo về tội dùng nhục hình, phúc thẩm 3 vụ với 3 bị cáo.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng cho biết, trong 3 năm qua, đã có 19 cán bộ, chiến sĩ bị tước danh hiệu Công an nhân dân và bị khởi tố điều tra về hành vi dùng nhục hình, không có trường hợp nào bị khởi tố về tội bức cung.

183 trường hợp khác trong Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp do có sai phạm và vi phạm về quy trình, quy chế công tác bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức như: Tước danh hiệu Công an nhân dân, điều chuyển công tác, giáng cấp… Điển hình như việc xử lý kỷ luật đốvới Phó trưởng Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng và một số cán bộ liên quan trong vụ việc đối tượng bị truy nã Võ Văn Tâm bị chết tại trụ sở Công an quận Hải Châu vào ngày 1/2/2013.

Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự thời gian qua cũng cho thấy, có nhiều trường hợp tại phiên tòa bị cáo khai trong quá trình điều tra bị đe dọa, đánh, ép cung, mớm cung nhưng không đưa được chứng cứ chứng minh nên thường không được Hội đồng Xét xử chấp nhận.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn lý giải, do việc chỉ dùng lời nói đe dọa, dụ dỗ, tác động về mặt tinh thần, hạn chế gặp người thân thăm nuôi… để ép buộc khai sai sự thật rất khó thu thập chứng cứ để chứng minh nên không thể quy tội bức cung. Việc áp dung Điều 298 Bộ luật Hình sự còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh dùng nhục hình nhưng hoạt động điều tra được xác định kể từ thời điểm nào chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Không phổ biến nhưng hậu quả nghiêm trọng

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Trần Đại Quang đều nhìn nhận, các vụ án nhục hình chỉ mang tính cá biệt, không phổ biến nhưng hậu quả để lại rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan tiến hành tố tụng.

Không những thế còn nghiêm trọng xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, công ăn việc làm của người bị oan mà còn ảnh hưởng đến gia đình, dòng tộc của họ, gây bức xúc trong dư luận như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

TAND Tối cao cho rằng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên cũng có những trường hợp cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, thẩm phán còn để xảy ra những sai sót, vi phạm trong thực thi công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó có việc bức cung, dùng nhục hình ép buộc các bị can, bị cáo phải nhận tội. 

Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống loại tội bức cung, dùng nhục hình, TAND Tối cao kiến nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. 

Theo đó, người bào chữa phải được tham gia ngay từ khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng, bỏ quy định về giấy chứng nhận bào chữa vì về bản chất quyền được nhờ luật sư, người bào chữa là quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và chỉ có thể bị hạn chế bởi luật chứ không phải bởi việc cấp giấy vốn mang nặng tính hình thức. 

Đồng thời tăng mức hình  phạt đối với tội bức cung, dùng nhục hình, xem xét việc ghi hình, ghi tiếng khi hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, người  làm chứng…

Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một trong những nguồn của chứng cứ là lời khai của người bị tình nghi và các đương sự khác trong vụ án nhưng do không được tiếp cận riêng tư với những đối tượng này trong trại tạm giam trong giai đoạn điều tra nên sự tham gia của luật sư hoàn toàn phụ thuộc vào lịch hoặc sự chấp thuận hay không của điều tra viên. Quy định về quyền gặp mặt người bị tạm giữ, bị can, bị cáo của người bào chữa theo Thông tư 70/2011/TT-BCA chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, luật sư và khách hàng không được trao đổi thông tin, tài liệu, thư từ có tính bảo mật. Luật sự chỉ được hỏi khi điều tra viên đồng ý, thời gian tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can bị hạn chế trong vòng 1 giờ, đã hạn chế quyền của người bào chữa và đặt vị thế của luật sư trong tham gia tố tụng rất bị động, hạn chế đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm