Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Không để bị động bất ngờ về quốc phòng, an ninh trên tất cả các hướng”

Hương Giang

Thứ tư, 24/03/2021 - 11:55

(Thanh tra) - “Trong bất cứ tình hình nào, chúng ta cũng không được để bị động bất ngờ về vấn đề quốc phòng và an ninh trên tất cả các hướng, cả phía Đông, phía Tây Nam, phía Bắc, với các nước ở xa, các nước ở gần, nước lớn, nước nhỏ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trước Quốc hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước. Ảnh: ĐX

Tại phiên khai mạc kỳ họp 11 sáng ngày 24/3, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, nhiệm kỳ 2016-2021, trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.

Kiên quyết, kiên trì, quyết tâm chống tham nhũng

Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.

Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ”, Chủ tịch nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khái quát những nhiệm vụ đã thực hiện liên quan đến lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoạt động đối ngoại.

Giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo

Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh Lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương.

Bên cạnh đó, làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói thêm, trong vài năm vừa qua, chúng ta đã xây dựng một loạt chiến lược về quốc phòng và an ninh rất quan trọng, đó là Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia…) bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Trong bất cứ tình hình nào chúng ta cũng không được để bị động bất ngờ về vấn đề quốc phòng và an ninh trên tất cả các hướng, cả phía Đông, phía Tây Nam, phía Bắc, với các nước ở xa, các nước ở gần, nước lớn, nước nhỏ. Vậy bây giờ chiến lược của chúng ta là gì, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và hiện nay đang làm", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước luôn trách nhiệm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, nhân dân

Dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.

“Trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”, Chủ tịch nước nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn một số hạn chế.

Đó là, việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9/2018 đến ngày 23/10/2018.

Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm