Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 17/09/2021 - 07:00
(Thanh tra) - Chiều 16/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã trao quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao đối với bốn Thẩm phán Cao cấp, sau khi đã được Quốc hội phê chuẩn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ trao quyết định. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng về vai trò của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp; đồng thời cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của Thẩm phán TAND các cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán TAND Tối cao được xác định là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm công tác trong ngành. Báo Thanh tra xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước.
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Thưa các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và lãnh đạo các cơ quan Trung ương,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Trước hết, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Ngô Tiến Hùng, Nguyễn Biên Thùy và Đào Thị Minh Thủy đã được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của mỗi đồng chí nói riêng và hệ thống TAND nói chung.
Thưa các đồng chí,
Thực hiện Luật tổ chức TAND năm 2014, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, TAND Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc lựa chọn nhân sự, thực hiện quy trình để trình và được Quốc hội khóa XV phê chuẩn đề nghị, Chủ tịch nước bổ nhiệm bốn Thẩm phán TAND Tối cao.
Các đồng chí được bổ nhiệm lần này đều là những cán bộ có lập trường quan điểm, tư tưởng kiên định, vững vàng; đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý, xét xử. Việc được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao không chỉ là niềm vinh dự, tự hào to lớn mà còn là trách nhiệm nặng nề của các đồng chí.
Tôi đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo TAND Tối cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nhằm bổ sung, kiện toàn Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hệ thống TAND trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí,
Trong bộ máy Nhà nước ta, TAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp…; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đặc biệt, các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm. Đồng thời cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của Thẩm phán TAND các cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán TAND Tối cao được xác định là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm công tác trong ngành.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược Cải cách tư pháp. Chiến lược này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta, của chế độ ta trong giai đoạn mới, nhất là đối với hệ thống bộ máy Nhà nước, gồm cả hệ thống TAND chúng ta. Đối với lĩnh vực tư pháp, Văn kiện Đại hội xác định mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, vừa qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã phân công Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao chủ trì, xây dựng Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của TAND, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Như vậy, có thể nói công tác cải cách tư pháp, trọng tâm là cải cách tư pháp trong TAND - một trong những nội dung chủ yếu để xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang đặt ra cho hệ thống tòa án nhân dân chúng ta những nhiệm vụ rất quan trọng.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước sẽ có buổi làm việc với TAND Tối cao để chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của TAND các cấp.
Hôm nay, trong phạm vi buổi lễ trang trọng này, tôi đề nghị toàn thể cán bộ, thẩm phán, công chức, viên chức trong hệ thống TAND nói chung và các đồng chí Thẩm phán TAND Tối cao mới được bổ nhiệm lần này nói riêng cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần lưu ý một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế của TAND nói chung, trách nhiệm của người thẩm phán nói riêng. Toà án là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước để đưa ra những quyết định, phán xét về hành vi của một người bị truy tố trước Toà án là có tội hay không có tội và được quyền áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi phạm tội. Trong các lĩnh vực xét xử khác như dân sự, kinh tế, hành chính, lao động thì phán quyết của Toà án có ảnh hưởng trực tiếp đối với quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và những người tham gia tố tụng.
Do đó, người thẩm phán phải luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm rất cao trước pháp luật, trước nhân dân. Bất kỳ sai sót nào của Thẩm phán đều ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng xét xử, ảnh hưởng đến uy danh của Toà án, đến niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý. Vì vậy, trong công tác xét xử không cho phép người thẩm phán có những quyết định, phán quyết chủ quan, không đúng pháp luật, không hợp lòng dân, không đảm bảo công lý. Mỗi bản án đều phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội và có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân, của cả xã hội; qua đó khuất phục được tội phạm, thuyết phục được người dân và tạo sự đồng thuận, tuân thủ trong xã hội.
Ngoài các yêu cầu trên, với chức danh Thẩm phán TAND Tối cao, các đồng chí còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ, thể hiện bản lĩnh của mình trong vai trò là thành viên của cơ quan xét xử cao nhất; làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật; tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật để ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất; lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ để áp dụng trong xét xử.
Thứ hai: Không ngừng đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xét xử; giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư. Người thẩm phán phải có bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu kiến thức xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương để có những phán quyết thấu tình, đạt lý, thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ là “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và phải “gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân”.
Thứ ba: Hình ảnh của người thẩm phán phải thực sự là tấm gương về đức tính thanh liêm, cương trực và nhân hậu; tự rèn luyện tu dưỡng để nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Trong công tác cần thường xuyên phải nhìn nhận, đánh giá lại chính mình, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua mọi cám dỗ trong cuộc sống.
Với sự tín nhiệm, tin tưởng của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao, với phẩm chất, năng lực của các đồng chí, tôi tin tưởng chắc chắn rằng các tân Thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Văn Dũng, Ngô Tiến Hùng, Nguyễn Biên Thùy và Đào Thị Minh Thủy sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình; Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và tất cả các thẩm phán luôn là những tấm gương sáng, có đức, có tài và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chúc tất cả các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí./.”
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương