Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các cơ quan chuyên trách bước đầu vào cuộc

Chủ nhật, 17/07/2011 - 16:03

(Thanh tra) - Các cơ quan chuyên trách về Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được xây dựng và kiện toàn, bước đầu phát huy tác dụng tích cực. Ban Chỉ đạo Trung ương được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2006 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và một Phó Thủ tướng làm Phó trưởng ban. Thể hiện rõ vai trò chỉ đạo về công tác PCTN trên phạm vi cả nước, Ban Chỉ đạo Trung ương đã phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh hoạt động toàn diện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Kiểm toán Vương Đình Huệ bên lề cuộc họp PCTN

Cùng với tập trung chỉ đạo việc cụ thể các chủ trương giải pháp đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3 như hoàn thiện thể chế, xây dựng tổ chức bộ máy 3 đơn vị chuyên trách về PCTN và Ban Chỉ đạo các tỉnh thành; Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý 8 vụ án trọng điểm, 14 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và giao Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý 21 vụ án tham nhũng nghiêm trọng khác. 

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ (Cục Chống tham nhũng), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng), Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng) đã đi vào hoạt động từ năm 2007, khẩn trương kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động. Thực hiện chỉ thị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, một số Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố đã thành lập bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng thuộc Phòng Kiểm sát điều tra kinh tế và tội phạm về chức vụ. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Đội điều tra tội phạm về tham nhũng, thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ.

Những năm qua, Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ đã tham mưu giúp Tổng Thanh tra đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về PCTN, đặc biệt là công tác xây dựng thể chế và phổ biến pháp luật. Cục đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; Nắm tình hình xử lý đơn thư, thông tin tố cáo, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về công tác PCTN, tham mưu xây dựng báo cáo về công tác PCTN với Chính phủ và Quốc hội; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về PCTN. Từ năm 2008 đến nay, Cục đã được giao tiến hành thanh tra kinh tế - xã hội và giải quyết tố cáo 8 vụ, qua đó phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có sai phạm, chuyển một vụ việc sang cơ quan điều tra.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng của Bộ Công an (C48)  tập trung phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; đồng thời chỉ đạo hướng dẫn Công an địa phương điều tra những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp khác. Từ khi thành lập đến nay, C48 đã phát hiện và thụ lý điều tra 37 vụ án, với 254 bị can; đã kết thúc điều tra 30 vụ/229 bị can; đề nghị truy tố 202 bị can. Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng (Vụ 1B - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) đã thụ lý 54 vụ/456 bị can. Trong đó đã xét xử 24 vụ/ 254 bị cáo, truy tố 8 vụ/76 bị can, đang điều tra 9 vụ/49 bị can. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong các cơ quan Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát đã từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng thanh tra, điều tra, truy tố các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành đã tổ chức 2.952 cuộc điều tra, đôn đốc công tác PCTN. Nhiều Ban Chỉ đạo được Tỉnh ủy, Thành ủy giao tham mưu và chủ trì kế hoạch kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 tại địa phương. Các Ban Chỉ đạo đã tổ chức 1.461 cuộc họp, trong đó có trên 300 cuộc họp chuyên đề để nghe các cơ quan tố tụng và cơ quan thanh tra báo cáo hoặc bàn nội dung liên quan đến hoạt động phối hợp phát hiện và xử lý tham nhũng, đưa vào danh sách theo dõi, chỉ đạo trên 200 vụ án, vụ việc tham nhũng quan trọng. Ban Chỉ đạo địa phương thường xuyên yêu cầu các cơ quan định kỳ báo cáo việc nhận và giải quyết đơn thư KNTC, xử lý liên quan đến hành vi tham nhũng. 

Sau Nghị quyết Trung ương 3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các Nghị quyết chuyên đề và Thông tri về công tác PCTN lãng phí, trong đó Mặt trận các cấp tập trung giám sát những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài sản Nhà nước, cấp sổ đỏ, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư khi thu hồi đất, đăng ký hộ khẩu, cấp phép xây dựng kinh doanh, thu chi các loại phí lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân. Trung ương Hội Cựu chiến binh và Chính phủ đã ký Nghị quyết liên tịch, ban hành quy chế phối hợp công tác với nhiều nội dung liên quan công tác PCTN. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ tổ chức nhiều lớp tập huấn về PCTN.

Các hoạt động quốc tế về PCTN cũng được mở rộng và mang lại hiệu quả. Từ năm 2007 đến nay, Chính phủ định kỳ 2 năm một lần tổ chức Hội nghị đối thoại về PCTN với Cộng đồng tài trợ quốc tế. Qua đó, các cơ quan chức năng PCTN, cơ quan quản lý Nhà nước tiếp thu nhiều kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả PCTN. Các đối tác phát triển đã tin tưởng, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật tài chính cho Việt Nam. Trong quan hệ đa phương, Việt Nam tham gia tích cực các diễn đàn về PCTN như Tổ chức Thanh tra châu Á, Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thỏa thuận hợp tác đa phương về PCTN khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, nước ta đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về PCTN, và Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao việc thực thi Công ước năm 2011.

Trong quan hệ song phương, Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp với nhiều quốc gia trên thế giới. Thanh tra Chính phủ đã ký thỏa thuận hợp tác về PCTN với Ủy ban chống tham nhũng Malaysia và Cục Điều tra tham nhũng Singapore. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Cục Phòng ngừa tham nhũng Quốc gia Trung Quốc. Các cơ quan chức năng tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác với các nước về PCTN thông qua các khóa đào tạo và hội thảo. Một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng liên quan nước ngoài, như vụ nhận hối lộ thuộc Dự án Đại lộ Đông Tây TP. Hồ Chí Minh và một số vụ việc khác đã được Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, các cơ quan chức năng xem xét thông qua con đường ngoại giao, tương trợ tư pháp để tiếp cận chuyển hóa hồ sơ, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

                               (Còn tiếp)
Trúc Lâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm