Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bồi thường oan sai: Cần một cơ quan đầu mối

Thứ năm, 18/12/2014 - 16:55

(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, nếu để thẩm phán, kiểm sát viên hay điều tra viên đứng ra thương thảo việc bồi thường với người bị oan sai thì không phù hợp. Cần có một cơ quan đứng ra đại diện việc bồi thường, sau đó mới truy trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân để xảy ra oan sai…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thảo Nguyên

Ngày 18/12, liên ngành (Tư pháp, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Công an, Quốc phòng) họp phối hợp thực hiện công  tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng.

Năm 2014, liên ngành đã phối hợp trao đổi nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước đối với 6 vụ việc cụ thể mà dư luận quan tâm. Đơn cử, vụ các ông Phan Văn Lá, Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu bồi thường do bị oan trong hoạt động tố tụng hay vụ bà Nguyễn Thái Thanh yêu cầu bồi thường đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Tuấn bị TAND TP Hà Nội tuyên án 7 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sau đó được đình chỉ điều tra do không có hành vi phạm tội…

Qua quá trình hoạt động thực hiện công tác bồi thường cho thấy, việc phối hợp liên ngành vẫn còn những hạn chế. Luật Bồi thường Nhà nước có hiệu lực đến nay gần 5 năm nhưng liên ngành mới hoàn thành xong các văn bản hướng dẫn thi hành; chưa có cơ chế sàng lọc thông tin để nắm bắt tình hình giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính bằng thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. 

Nhất là, liên ngành chưa nắm bắt được thực chất nguyên nhân hành vi trái pháp luật gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để có giải pháp khắc phục; việc thực hiện cung cấp thông tin hoặc phản hồi các vấn đề báo chí đăng tải về công tác này chưa được quan tâm đúng mức…

Theo thẩm phán Nguyễn Châu Hoan, Tòa Hành chính, TAND Tối cao, hiện nay chúng ta có 3 Bộ Luật Tố tụng: Hình sự, dân sự và hành chính. Nhưng Thông tư liên ngành vừa ban hành mới chỉ dừng lại ở hướng dẫn về bồi thường Nhà nước trong tố tụng hình sự. Phần bồi thường trong án hành chính chưa rõ ràng, có nhiều vướng mắc. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan trong bồi thường, xác định trách nhiệm còn nhiều vấn đề tranh chấp. 

Thẩm phán Nguyễn Châu Hoan phân tích, nhiều vụ án tại tòa đương sự kêu oan, nhưng hồ sơ lại rất “tròn chĩnh” như vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nếu có oan sai trong những trường hợp như vậy không thể trách nhiệm bồi thường oan sai chỉ ở Tòa án. Khởi tố mình chủ tọa phiên tòa có đúng không? Vì tại phiên tòa còn có cả kiểm sát viên. Đây cũng là những vướng mắc cần tháo gỡ.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, nhiều vụ dư luận quan tâm về công tác bồi thường như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay việc xử lý trách nhiệm các cơ quan liên quan nhưng các cơ quan có trách nhiệm chưa thông tin kịp thời làm cho dư luận hiểu sai tính chất vụ việc. Ảnh: Thảo Nguyên


Vị đại điện TAND Tối cao đề xuất, cần xem xét sửa đổi Luật Bồi thường Nhà nước theo hướng quy định, Toà án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp: tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội; đình chỉ vụ án vì người đó không phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng cho rằng, một vụ án oan sai là kết quả của chuỗi tố tụng từ điều tra, truy tố đến xét xử nên chỉ quy trách nhiệm cuối cùng cho Tòa án là không hợp lý. Đương nhiên, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với người dân bị oan vẫn phải tiến hành, còn trách nhiệm của những người thực thi công vụ phải làm rõ từng công đoạn.

Theo ông Ngọc, cần phải có một cơ quan đứng ra đại diện việc bồi thường cho người bị oan, sau đó mới truy trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân để xảy ra oan sai. Nếu như để thẩm phán, kiểm sát viên, hay điều tra viên đứng ra thương thảo việc bồi thường với người bị oan sai thì không phù hợp. Trước mắt, với những vụ việc cụ thể, chưa phân định được cơ quan nào phải bồi thường thì các cơ quan liên ngành cần họp lại để xem xét cụ thể trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào.

Đại diện các cơ quan liên ngành cũng đề nghị, cần chủ động hướng dẫn nghiệp vụ đối với những vụ việc phức tạp, hỗ trợ cung cấp ý kiến pháp lý giúp người bị thiệt hại sử dụng có hiệu quả cơ chế bồi thường nhà nước để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. 

Cùng với đó, bảo đảm việc cung cấp thông tin kịp thời, thống nhất, đầy đủ nội dung về công tác bồi thường, giải quyết bồi thường; đẩy mạnh sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương tới địa phương bảo đảm việc thông tin kịp thời nội dung, quá trình giải quyết cũng như những vướng mắc để kịp thời có sự chỉ đạo, hướng dẫn trong việc quản lý công tác bồi thường và giải quyết bồi thường. 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm