Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Tài chính nêu lý do gần hết năm mới trình dự toán chi thường xuyên ngân sách 2023

Hương Giang

Thứ ba, 17/10/2023 - 13:41

(Thanh tra) - Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, gần kết thúc năm ngân sách 2023, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương là quá muộn, gây lãng phí nguồn lực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 17/10, tiếp tục chương trình phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở Trung ương, địa phương.

Đề nghị bổ sung dự toán chi hơn 2.500 tỷ cho các bộ, địa phương

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở Trung ương, địa phương hơn 2.500 tỷ đồng.

Số tiền này, dành hơn 2.495 tỷ đồng chi thường xuyên cho 35 bộ, cơ quan Trung ương và gần 13 tỷ đồng cho 14 địa phương.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban này cho rằng, theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 70, Quốc hội không phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ chi cụ thể của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Để bảo đảm đủ căn cứ xem xét, quyết định, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh chi tiết từng khoản chi.

Ông Mạnh nói, dự kiến ngày 23/10, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 6, để báo đảm chặt chẽ theo quy định, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

“Trên cơ sở tổng mức chi được Quốc hội quyết định, đề nghị giao Chính phủ rà soát, phân bổ chi tiết từng nhiệm vụ chi cụ thể cho từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bảo đảm đúng quy định pháp luật”, theo quan điểm của Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Ông Lê Quang Mạnh cũng cho hay, nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phân bổ số tiền hơn 70.735 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay gần kết thúc năm ngân sách 2023, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho các bộ, cơ quan ở Trung ương, các địa phương với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng (bằng khoảng 3,5% tổng số tiền chưa phân bổ).

Nhận xét việc này “là quá muộn so với quy định, gây lãng phí nguồn lực Ngân sách Nhà nước”, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, không để tồn tại các khoản chi chưa xác định được nhiệm vụ, nội dung chi trong dự toán ngân sách hằng năm để chờ phân bổ.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số kinh phí còn lại chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, làm rõ về khả năng sử dụng khoản kinh phí này trong niên độ ngân sách Nhà nước năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng

“Đa số ý kiến đề nghị, trường hợp không sử dụng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các nhiệm vụ khác cần thiết, cấp bách, tránh gây lãng phí nguồn lực”, ông Lê Quang Mạnh nêu ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Thêm nữa, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị, đến nay đã gần hết niên độ ngân sách Nhà nước năm 2023, trường hợp không phân bổ, không còn nhu cầu sử dụng cần hủy dự toán, giảm bội chi ngân sách Trung ương để chủ động trong việc huy động nguồn lực bù đắp bội chi, giảm chi phí lãi vay.

Ngân sách làm rất chặt chẽ, đủ điều kiện mới được chi

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu lý do nguyên nhân phân bổ chậm.

Theo ông Hồ Đức Phớc, do các bộ, ngành chậm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách. Ví dụ, kinh phí thực hiện hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 chưa tổng hợp được nên giờ mới phân bổ.

Hay khoản chi đặt hàng các cơ quan báo chí cần bộ chuyên ngành ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá thì mới được bố trí. Tuy nhiên do nhiều khoản chưa được ban hành đầy đủ, khi phê duyệt định mức đơn giá thì đã quá niên độ nên không xử lý được.

“Ví dụ Đài Truyền hình VTC thuộc VOV, cán bộ nhân viên cả năm không có lương, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông mãi mới phê duyệt, lúc phê duyệt thì quá niên độ nên chúng tôi không dám đưa vào”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm, “ngân sách, tiền bạc làm rất chặt chẽ, công khai” nên chỉ khi đầy đủ điều kiện mới được chi.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ, Bộ Tài chính cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong xây dựng dự toán, điều hành ngân sách, khắc phục tình trạng số kinh phí chưa phân bổ lớn.

Gần hết năm số ngân sách, kinh phí còn chưa có nhu cầu sử dụng, chưa đủ điều kiện phân bổ còn rất lớn, cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ để đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn bố trí, theo ông Hải.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát, trình Quốc hội và chịu trách nhiệm với từng khoản đề nghị bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương, về tính chính xác của số liệu, sự cần thiết, tính đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật có liên quan.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm