Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Huấn luyện viên “bớt xén tiền thưởng” là điều nhức nhối của ngành

Hương Giang

Thứ tư, 05/06/2024 - 16:18

(Thanh tra) - Khẳng định Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch “không bao che, không dung túng” chuyện bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn của vận động viên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận nắm bắt vụ việc hơi chậm.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Chiều 5/6, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bắt đầu trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nghiêm cấm lập quỹ dù mục đích tốt đẹp

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đặt vấn đề, thời gian qua dư luận xôn xao trước hàng loạt các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn.

“Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng”, bà Tâm nhận xét.

Bên cạnh những câu chuyện đẹp đậm nghĩa thầy trò của thể thao Việt Nam, bà Tâm nhấn mạnh, những vụ việc bị phát hiện còn thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao; phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thực sự hiệu quả.

“Điều này còn kéo theo hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên, và huấn luyện viên”, theo đại biểu đoàn Quảng Bình.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình)

Từ đó, đại biểu hỏi bộ trưởng giải pháp lâu dài để quản lý và bảo đảm không tái diễn tình trạng trên.

“Đây là điều nhức nhối của ngành. Mặc dù chỉ là hai sự việc có tính cá biệt”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn.

Hai đầu tiên là vấn đề tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội (Mỹ Đình). Vụ thứ hai là tiền của đội thể dục dụng cụ mà chủ yếu liên quan đến trung tâm thể thao của Hà Nội và bộ phận đội tuyển của trung tâm

Khi phát hiện vụ việc, ông Hùng khẳng định đã kiên quyết xử lý với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Theo đó, bộ đã kỷ luật hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để xem xét điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi không bao che, dung túng”, Tư lệnh ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Cho rằng vụ việc trên cũng là “lời cảnh tỉnh trong công tác huấn luyện”, ông Hùng nói, "báo cáo thật với Quốc hội, chúng tôi biết hơi chậm khi kiểm điểm lại. Làm lãnh đạo cấp trên, vụ việc diễn ra ở đơn vị trung tâm thì không thể biết được nhưng có thể nói chúng tôi chậm nắm vấn đề và không biết”.

Theo ông, trong thực tế, ban đầu khi hình thành quỹ là với mục đích tốt đẹp. Ví dụ, trong đổi tuyển các em góp tiền để dành thăm hỏi ốm đau, ma chay, hiếu hỉ…

“Những việc này theo quy định của pháp luật là trái, nhưng việc đó trên tinh thần tự nguyện, tự quản, quản lý chặt chẽ thì chắc chắn không có tiêu cực”, Bộ trưởng  Nguyễn Văn Hùng nêu, song vừa rồi đã lạm dụng, lại là huấn luyện viên dẫn đến tiêu cực.

Đề cập đến giải pháp, theo ông Hùng, bộ đã bổ sung hoàn chỉnh quy định về quản lý đội tuyển, trong đó quy định rất rõ từ tập luyện cho đến quản lý.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm. “Lâu nay có kiểm tra, nhưng kiểm tra chất lượng đào tạo, ít kiểm tra về chế độ chính sách”, ông Hùng nói.

Giải pháp nữa là công khai, minh bạch. Ngay từ đầu vào phải thông báo chế độ tiền ăn bao nhiêu một ngày, tiền thưởng bao nhiêu để quản lý. “Việc lập quỹ mặc dù có mục đích tốt đẹp như ban đầu bây giờ là nghiêm cấm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thu nhập và việc làm cho vận động viên: “Sẽ là bao giờ?”

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nói, ông nghe bộ trưởng trả lời về vấn đề thu nhập và việc làm cho vận động viên, trong đó có vận động viên thành tích cao vẫn là sẽ nghiên cứu rà soát, sẽ ban hành, giống như những người có thẩm quyền ở những nhiệm kỳ trước trả lời.

“Đề nghị bộ trưởng cho biết sẽ là bao giờ?”, ông Lê Hoàng Anh hỏi.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai). Ảnh: P.Thắng

Trao đổi thêm, đại biểu cho hay, kinh nghiệm cho thấy các nước để giải quyết việc làm, thu nhập cho vận động viên không phụ thuộc vào ngân sách.

“Chúng ta mỗi một năm ngân sách Trung ương chi khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao. Họ bằng cách phát triển kinh tế thể thao, còn ở Việt Nam, kinh tế thể thao vẫn “khuyết” và “tật”, đại biểu nói và hỏi bộ trưởng cần giải quyết vấn đề kinh tế thể thao thế nào?

Trước khi trả lời trực tiếp câu hỏi này, Bộ trưởng nói đại biểu vừa phát biểu, vừa góp ý có tính xây dựng cho bộ.

“Đại biểu Hoàng Anh không chỉ là đại biểu chuyên trách mà còn tham gia vào Liên đoàn hiệp hội trong ngành thể thao nên nắm rất rõ về thể thao”, bộ trưởng cảm ơn đại biểu.

Trả lời câu hỏi, ông Hùng nói, "chúng ta không quá khiên cưỡng, cứ vận động viên thể thao là nhất nhất vào Nhà nước”.

Ông dẫn thực tế có nhiều người sống được bằng thể thao. Không làm thể thao, người ta giải nghệ và mở các câu lạc bộ…

Về kinh tế thể thao, theo ông Hùng, đã được đề cập và triển khai kinh tế thể thao cũng đã có trong luật.

“Lâu nay chưa làm được thì bây giờ tập trung làm nghiêm túc”, ông Hùng nói và cho rằng, phải sửa đổi chính sách, bổ sung các cơ chế để tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy kinh tế thể thao.

Ngay như đua chó, đưa ngựa, theo ông Hùng, cũng là loại hình kinh tế thể thao nhưng chưa làm được ngay, mà cần phải nghiên cứu. “Cái gì làm được ngay, chúng tôi sẽ quyết liệt, cố gắng trong thời gian ngắn để trình được nội dung về kinh tế thể thao”, bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cũng là vấn đề thuộc phần trả lời chất vấn của ông Nguyễn Văn Hùng.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm