Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Lê Thành Long và Bộ trưởng Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn

Hương Giang

Thứ ba, 15/08/2023 - 06:00

(Thanh tra) - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/8.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra về đấu giá tài sản

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp vào buổi sáng.

Tư lệnh ngành Tư pháp sẽ trả lời chất vấn về:

- Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

- Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Phó thủ tướng và bộ trưởng các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao... sẽ cùng tham gia giải trình về những vấn đề liên quan.

Trước đó, báo cáo về các vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin về việc kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Theo ông Long, Bộ Tư pháp đang tham mưu giúp Chính phủ ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

“Hiện đã hoàn tất việc chỉnh lý dự thảo và chuẩn bị thông qua”, ông Long cho biết.

Bộ Tư pháp cũng đang tham gia góp ý, xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.

Đề cập đến hoạt động đấu giá tài sản, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, công tác này từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tiệm cận hơn với các chuẩn cơ bản của lĩnh vực đấu giá trong cơ chế kinh tế thị trường tại các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện nhiều cuộc đấu giá thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, hoạt động đấu giá tài sản cũng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập. Để khắc phục, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Trước mắt, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm; từng bước kiện toàn đội ngũ đấu giá viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích đấu giá trực tuyến, nhất là đối với tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn.

Không để xảy ra tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp

Vào chiều cùng ngày 15/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn về:

- Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...).

- Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.

- Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

“Chia lửa” cùng Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có phó thủ tướng; bộ trưởng các bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao.

Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, “về tổng thế ở cấp độ quốc gia, vấn đề an ninh lương thực nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo”.

Với diện tích đất trồng lúa hiện nay, theo tính toán ở kịch bản “an toàn rất cao” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc một năm.

Cả nước còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh nguồn cung thực phẩm trong nước và tăng xuất khẩu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, cơ quan quản lý sẽ cập nhật diễn biến thị trường toàn diện, cẩn trọng để phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cùng các bộ liên quan đổi mới truyền thông, quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.

Về dài hạn, cơ quan này ưu tiên hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Khâu sản xuất nông nghiệp sẽ được tổ chức lại theo hướng bền vững, như thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến 2025...

Cũng thuộc lĩnh vực phụ trách, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã báo cáo Quốc hội về tình hình khai thác bất hợp pháp (khai thác IUU) các nguồn hải sản.

“Dù tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả quan trọng được EC ghi nhận đánh giá cao, nhưng đến nay (tháng 7/2023) Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Vì vậy, ông Hoan nhấn mạnh, sẽ thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

100% tàu cá xuất, nhập bến qua các đồn/trạm biên phòng tuyến biển sẽ được kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản.

Trường hợp để tàu cá không đủ điều kiện vẫn được xác nhận xuất, nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản thì chỉ huy đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng và trước pháp luật.

Biện pháp nữa là điều tra, xử phạt triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm